Dòng sự kiện:
Cả nước thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng do thiên tai trong năm 2018
20/07/2019 07:18:14
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tình hình thiên tai trên cả nước năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn.

Tỉnh lộ 4H đi vào huyện Mường Tè (Lai Châu) bị lũ cuốn sạt lở, gây chia cắt giao thông. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Ngày 19/7, tại Cà Mau, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị Phòng chống thiên tai tại khu vực miền Nam năm 2019.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tình hình thiên tai trên cả nước năm 2018 không diễn ra dồn dập và khốc liệt như năm 2017, nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn, các yếu tố cực đoan, dị thường diễn ra ở khắp các vùng miền với 16/21 loại hình thiên tai. Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Riêng tại khu vực miền Nam xảy ra 14/21 loại hình thiên tai. Gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn nhất là lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, bão số 9; 123 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% số trận cả nước); 441 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển (tổng số có 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km) làm 10 người chết và mất tích (chiếm 4% cả nước), bị thương 13 người, 320 nhà bị sập đổ, 1.196 nhà bị hư hại, tốc mái, 16.391 nhà bị ngập nước. Thiệt hại ước tính gần 118 tỷ đồng (chiếm 0,55% cả nước).

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… Từ đó, đã gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, thiên tai, đặc biệt là dông, lốc xoáy, triều cường đã gây sạt lở đất ven sông, ven biển, làm chết 7 người, sập, hư hỏng 1.655 căn nhà; ngập, sập trên 2.400 ha lúa và hoa màu, sạt lở thường xuyên 105 km bờ biển. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở đến chân đê biển, xói lở trên 250km bờ sông; ngoài ra các vụ tai nạn trên biển đã làm thiệt mạng 34 người,... Tổng thiệt hại về tài sản, ước tính trên 57 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, hiện nhiều khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhưng thiếu vốn đầu tư khắc phục, di dời dân; một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, chậm được tháo gỡ.

“Hội nghị Phòng chống thiên tai tại khu vực miền Nam lần này là dịp để đại biểu cung cấp thông tin; phân tích, đánh giá đúng tình hình, từ đó, rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới,” ông Lê Văn Sử chia sẻ.

Tham dự hội nghị, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết, hội nghị này là sự kiện quan trọng và diễn ra đúng thời điểm bởi mùa bão, cần chuẩn bị kĩ càng để đối phó với mọi thách thức.

Từ bài học quá khứ như siêu bão Linda xảy ra vào năm 1997 đã khiến 3.000 người thiệt mạng; đợt hạn hán, nhiễm mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm đã xảy ra vào năm 2015-2016 đã nhắc nhở rằng Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rất dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, nhất là trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Thiên tai và biến đổi khí hậu là những vấn đề xuyên suốt, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ và các tỉnh. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ điển hình ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu... UNDP mong muốn tăng cường hợp tác với Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để cùng thực hiện nhiều hoạt động để góp phần xây dựng một Việt Nam bền vững và thịnh vượng hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, thời gian tới, Ban Chỉ đạo cùng các bộ, ngành địa phương cần tập trung triển khai 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác rà soát, củng cố, triển khai xây dựng và hoạt động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 76/NQ-CP. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp cho nhân dân, học sinh, cộng đồng nhất là phòng, chống đuối nước cho trẻ em Đồng bằng sông Cửu Long.

“Hiện sắp vào mùa mưa bão, do vậy các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn. Ngoài ra, củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long, qua đó, xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra. Mặt khác, tăng cường hợp tác Quốc tế và hợp tác Mekong trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống lũ, lụt xuyên biên giới và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…,” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo.

Theo TTXVN

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến