Các ngân hàng trung ương có đang bất lực trước giảm phát?
04/03/2016 09:35:06
ANTT.VN – Hệ thống các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang bị ám ảnh bởi giảm phát hơn bao giờ hết…

Tin liên quan

Ảnh: Bloomberg

Điều này giải thích tại sao từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng TW châu Âu (ECB), Ngân hàng TW Canada (BOC), Ngân hàng TW Nhật Bản (BOJ) cùng rất nhiều NHTW lớn khác, đều đặt mục tiêu lạm phát quanh ngưỡng 2%.

Rõ ràng là chẳng có nhà điều hành nào thích giá cả tăng lên, tuy nhiên viễn cảnh giá tiêu dùng giảm xuống thậm chí còn đáng sợ hơn đối với họ. Bởi vậy họ chọn cách gây ra ít thiệt hại hơn. Chỉ có điều là họ dường như ‘bất lực’ để có thể đạt được cái đích 2% trong điều kiện kinh tế toàn cầu hiện nay.

Nếu muốn lấy một tấm gương về giảm phát, hãy nhìn vào Nhật Bản, với giá cả hàng hóa đi xuống trong 48/83 quý gần đây. Thực trạng này từ lâu đã khiến người tiêu dùng Nhật Bản luôn có xu hướng lưỡng lự trong mua sắm bởi họ mong muốn một mức giá thấp hơn trong tương lai.

Kết quả là hàng hóa tồn đọng, bắt buộc nhà sản xuất thậm chí phải giảm giá mạnh hơn để xả hàng. Và cái vòng luẩn quẩn như vậy cứ lặp lại trong nền kinh tế ‘khốn khổ’ của Nhật Bản, với tốc độ tăng GDP bình quân thực tế chỉ ở 0,8%/ năm kể từ năm 1994.

Một yếu tố nữa khiến các NHTW ‘ghét cay ghét đắng’ giảm phát là mặc dù hiện tượng này có thể giúp nợ quốc gia không ‘phình to’ qua các năm, tuy nhiên năng lực trả nợ đồng thời cũng yếu đi bởi thu nhập danh nghĩa suy giảm. Kết quả là số lượng doanh nghiệp nộp đơn phá sản tăng lên, trong khi tín dụng, tiêu dùng và đầu tư đều đi xuống.

Rõ ràng tất cả các nhà điều hành tiền tệ đều biết được mối nguy hiểm từ giảm phát. Mặc dù vậy, những biện pháp mà họ đang áp dụng thay vì dài hơi, thì lại mang tính chất ‘cấp cứu’, ‘ăn xổi’ trong ngắn hạn.

Đầu tiên, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, một loạt NHTW kéo lãi suất xuống quanh mức 0% và làm mọi biện pháp để cứu các ngân hàng hay tổ chức tài chính, mặc dù nhiều trong số này ở mức yếu kém.

Những biện pháp này có thể ngăn chặn sự lao dốc tức thời của thị trường tài chính. Mặc dù vậy ở một khía cạnh khác, chúng lại gây ra hiệu ứng tiêu cực tới các hoạt động khác của nền kinh tế bao gồm tín dụng, tiêu dùng và đầu tư.

Điều này nghe có vẻ vô lý bởi về mặt lý thuyết, lãi suất thấp sẽ khuyến khích vay mượn. Tuy nhiên trong bối cảnh của những năm trong và sau khủng hoảng 2008, hầu như những nhà tư bản đủ điều kiện vay nợ đều đã có lượng thanh khoản rất tốt.

Do vậy, lãi suất thấp kỉ lục chỉ giúp cải thiện thị trường chứng khoán, vốn có rất ít tác động tích cực tới nền kinh tế. Đấy là còn chưa kể tới sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, hệ thống ngân hàng đều ngần ngại trong việc cho vay.

Sau khi hết khả năng giảm lãi suất, các NHTW tiếp tục sử dụng một biện pháp mà ý nghĩa cũng chẳng khác mấy: sử dụng các gói Nới lỏng định lượng (QE), thực chất là mua trái phiếu chính phủ với số lượng lớn nhằm bơm tiền ra thị trường. Điều bất ngờ nằm ở chỗ kẻ được lợi lớn nhất hóa ra lại là giới tư bản giàu có chứ không phải nền kinh tế.

Đơn cử như sau khi FED giảm lãi suất về tiệm cận 0%, tổ chức này đã mua hàng nghìn tỉ USD trái phiếu. Lượng tiền được bơm ra sau đó chủ yếu đổ vào thị trường vốn. Điều này giúp thị trường chứng khoán Mỹ sau đấy hồi phục, tuy nhiên không hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế. Bởi chứng khoán chủ yếu được sở hữu bởi giới tư bản giàu có, vốn không mấy mặn mà với tiêu dùng hay đầu tư sản xuất – những yếu tố tạo ra GDP thực thụ.

FED dừng chương trình QE vào cuối năm 2014, tuy nhiên ECB hay BOJ vẫn tiếp tục mở rộng những chương trình tương tự sau khi đã không thể giảm thêm lãi suất được nữa. Họ rõ ràng biết rằng chi phí vay mượn ở mức quanh 0% có thể gây ra nhiều lỗ hổng trên thị trường tài chính, bởi lãi suất thấp khuyến khích họ đầu tư vào những quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ phiếu ‘rác’ hay nhiều tài sản mang tính rủi ro cao khác.

Và rõ ràng là các NHTW đang chơi một canh bạc tất tay với hi vọng rằng các biện pháp này có thể giúp khuyến khích đầu tư và tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên kết quả dường như đang không chiều lòng họ.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến