Dòng sự kiện:
Các văn phòng gia đình: Xu hướng mới của giới siêu giàu Trung Quốc
10/08/2015 06:39:45
ANTT.VN - Có một xu hướng đang thịnh hành trong giới siêu giàu Trung Quốc hiện nay đấy là những đại gia “lắm tiền nhiều của” ở đại lục đang “đổ xô” thành lập các văn phòng gia đình nhằm quản lý tài sản một cách hiệu quả hơn cho con cái cũng như người thân của họ.

Tin liên quan

Gia đình đại gia Wayne Ma (phải) chụp ảnh bên ngoài căn biệt thự hàng triệu USD ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. Wayne là người sáng lập Vision Golf Academy, trường dạy đánh golf dành cho trẻ em.

Có một xu hướng đang thịnh hành trong giới siêu giàu Trung Quốc hiện nay đấy là những đại gia “lắm tiền nhiều của” ở đại lục đang “đổ xô” thành lập các văn phòng gia đình nhằm quản lý tài sản một cách hiệu quả hơn cho con cái cũng như người thân của họ.

Ngày càng nhiều những người giàu có ở Trung Quốc – phần lớn trong số đó là các tỷ phú tự thân – đang bắt đầu thành lập các văn phòng gia đình để giúp họ quản lý, vạch ra các kế hoạch tài chính để chuyển tài sản tích lũy của họ cho con cái trong bối cảnh những bất ổn của thị trường tài chính Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

“Giới siêu giàu Trung Quốc đang lo lắng liệu rằng họ có thể chuyển giao tàn sản của mình cho hai hoặc ba thế hệ hay không”, ông Andrew Yen, người sáng lập công ty gia đình Fusion Office Family ở Thâm Quyến, nói.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, người Trung Quốc cũng có một câu nói tương tự “Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ”, đấy cũng chính là những gì mà giới thượng lưu Trung Quốc đang lo lắng. Rất nhiều doanh nhân Trung Quốc dành gần như cả cuộc đời để gây dựng nên gia tài và sự nghiệp, và đấy cũng là lý do khiến họ phải thành lập nên các văn phòng gia đình. 

Ông Andrew Yen, người sáng lập công ty gia đình Fusion Office Family ở Thâm Quyến

Công ty của ông Yen giúp khách hàng thành lập và hoạt động các văn phòng gia đình của họ. Văn phòng gia đình được điều hành và hướng đến một gia đình. Nó tập trung vào việc quản lý tài sản gia đình với mục tiêu chuyển giao tài sản giữa các thế hệ. Thông thường, các văn phòng này có nhân viên để quản lý các hoạt động đầu tư, thuế và các vấn đề pháp lý.

Đặc biệt trong vòng hai năm qua, ông Yen cho biết, ông nhận thấy giới siêu giàu Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra lo lắng hơn do phải đón nhận liên tiếp “những cơn gió ngược” từ nền kinh tế. Kết hợp với sự sụt giảm kinh hoàng của thị trường cổ phiếu hạng A gần đây đã khiến tình trạng bị đẩy lên mức đáng báo động. Ông nói thêm, ngày càng nhiều những người giàu có Trung Quốc tìm đến với ông để nhờ tư vấn tìm ra các giải pháp nhằm quản lý tài sản một cách hợp lý cân đối giữa điều kiện tài chính và các nhu cầu cá nhân.

“Nhu cầu của mỗi gia đình là hoàn toàn khác biệt” ông Yen nói, “Điều họ quan tâm không chỉ là vấn đề thừa kế và giữ được sự giàu có, đó còn là những giá trị vô hình như giá trị tinh thần cốt lõi của gia đình”

Những chiếc xe hơi xa xỉ như Lamborghini, Ferrari, Rolls Royce xuất hiện ngày càng nhiều trên đại lộ Nam Kinh 

Ông Yên, người đã tư vấn cho hàng chục gia đình, cho biết: tùy thuộc vào độ phức tạp trong cấu trúc gia đình khách hàng, mỗi năm ông thu về khoảng 1 triệu nhân dân tệ (164 nghìn USD) đến 5 triệu nhân dân tệ (817 nghìn USD) từ các dịch vụ của mình. Công việc của ôngn chủ yếu là đưa ra lời khuyên cho các gia đình về cách thức quản lý tài sản, lên kế hoạch cho các danh mục đầu tư dài hạn và phân phối tài sản dựa trên nhu cầu và sở thích của từng người.

Những người muốn lập nên các văn phòng gia đình là những người có xu hướng xem việc bảo vệ và truyền lại tài sản của mình cho thế hệ tiếp theo quan trọng hơn cả việc gia tăng tài sản, ông Yen cho biết, đồng thời ông dự kiến rằng số lượng khách hàng của mình sẽ tăng lên con số 100 trong vòng 5 năm.

 Những chai sâm panh dát vàng và trứng cá muối hảo hạng tràn ngập trong bữa tiệc của giới nhà giàu Trung Quốc 

Bà Amy Lo Choi-wan, giám đốc công ty Quản lý Tài Sản UBS (UBS Wealth Management), cho biết rất nhiều người thuộc giới siêu giàu Trung Quốc đã đi đến một giai đoạn mà con cái của họ đang chuẩn bị đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các doanh nghiệp gia đình.

“Sự giàu có của hầu hết các gia đình châu Á gắn liền trực tiếp với vận mệnh kinh doanh của họ. Do vậy khi họ bắt đầu lên kế hoạch thừa kế, rất nhiều người sẽ cần đến các chuyên gia để giúp họ thiết lập cấu trúc tài sản một cách rõ ràng” Bà Lo cho biết. “Những gia đình thuộc giới siêu giàu Trung Quốc ngày càng hướng đến việc thành lập một văn phòng gia đình để chuyên nghiệp hóa cấu trúc gia đình và áp dụng một khuôn khổ quản trị phù hợp với nhu cầu của họ”. Các gia đình này đã tìm hiểu về những kinh nghiệm của các văn phòng gia đình ở Mỹ và Châu Âu, và họ cũng đang tìm cách để đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ, bà Lo nói.

Polo, môn thể thao của giới quý tộc Anh, ngày càng được ưa chuộng tại Trung Quốc. Được biết số tiền phải chi để học cách chơi Polo có thể lên tới hơn 200 bảng Anh/ngày

Một nghiên cứu do ngân hàng đầu tư Credit Suisse (Thụy Sĩ) được đưa ra vào năm ngoái chỉ ra rằng hiện có ít nhất 3000 văn phòng gia đình trên toàn cầu, và ít nhất một nửa số văn phòng này đã được lập ra trong vòng 15 năm qua. Các văn phòng gia đình điển hình thường quản lý các khối tài sản ít nhất khoảng 100 triệu USD.

Các văn phòng gia đình đã có lịch sử lâu dài ở Mỹ và châu Âu. Văn phòng Rockefeller Financial được thành lập năm 1882 là một trong những văn phòng gia đình nổi tiếng nhất trên thế giới. Rockefeller Financial đã trở thành một văn phòng đa gia đình sau một thế kỷ, giờ đây nó cung cấp các dịch vụ của mình cho các văn phòng gia đình khác.

Simon Potter, người sáng lập công ty Business Succession Partners có trụ sở ở Hồng Kông chuyên về lĩnh vực tư vấn các hoạt động đầu tư, quản lý và thừa kế cho các doanh nghiệp tư nhân, cho biết danh mục đầu tư của giới siêu giàu Trung Quốc thường có cấu trúc đơn giản, tài sản của họ chủ yếu là các bất động sản. Những văn phòng gia đình ở Mỹ và Châu Âu thường có xu hướng đa dạng hơn. Trong thực tế, giới siêu giàu của Trung Quốc cũng muốn đa dạng hóa các khoản mục đầu tư ở phạm vi rộng hơn nhưng thiếu các kinh nghiệm cần thiết, ông Potter nói.

Một khó khăn nữa trong việc điều hành một văn phòng gia đình ở Trung Quốc là thái độ của gia đình đối với các cố vấn cá nhân. “Mọi người sợ phải trả lời các câu hỏi trực tiếp, điều này ngăn cách họ đến với việc hiểu các chiến lược gia đình”, ông Potter nói.

Việc kế thừa công việc kinh doanh làm gia tăng thêm áp lực cho các thế hệ tiếp theo vì những người này có thể mang theo tâm lý sợ thất bại. Việc có một văn phòng gia đình sẽ vẫn hữu ích hơn không vì nó giúp cho các thế hệ tiếp theo có thể học được những bài học có giá trị từ những chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Phương Phương – Theo scmp.com, ảnh: newyork times

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến