Dòng sự kiện:
Cân đối tài chính không đến mức phải hoảng loạn
28/10/2014 10:06:43
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng nay (27/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã trao đổi với báo giới về việc cân đối thu chi, tăng thu, gỡ khó cho DN trong tình hình hiện nay.

Tin liên quan

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Cân đối tài chính hiện đúng là đang có những khó khăn, nhưng nhìn vào bản chất thì không quá đến mức phải mất bình tĩnh hoặc hoảng loạn.

Thứ nhất, chúng ta đang phát hành thêm nguồn để đầu tư, cho nên ngoài đầu tư trực tiếp từ ngân sách, còn có đầu tư mà Chính phủ, Quốc hội cho phép là từ nguồn trái phiếu với quy mô khá lớn.

Thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội là “Hạ tầng là khâu đột phá” thì Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu. Mặc dù khi phát hành trái phiếu lại có mâu thuẫn là tăng nợ, song nếu không tăng nợ thì không có nguồn cho đầu tư phát triển. Bởi vậy vấn đề quan trọng là sử dụng như thế nào cho hiệu quả để trả được nợ.

Thứ hai, khi tăng nợ thì tăng chủ yếu là nợ trong nước, còn nợ nước ngoài thì không có gì đáng ngại vì kỳ hạn nợ của nước ngoài còn rất dài, lãi suất thấp (1,2%/năm). Tuy nhiên, hiện nợ trong nước vẫn chưa có giải pháp để huy động dài hạn, bình quân chưa được 5 năm; thậm chí, có những kỳ hạn vay 1-2 năm... Vì vậy, bài toán quan trọng nhất hiện nay là cơ cấu lại nợ ấy để giãn trả nợ cho phù hợp với nền kinh tế để không áp lực cho nền kinh tế và ngân sách.

Vậy nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng thế nào khi Chính phủ có hàng loạt chính sách giãn, giảm thuế cho DN, thưa Phó Thủ tướng?

Bài toán giữa thu và hỗ trợ cho DN đều quan trọng nhưng lại có mâu thuẫn. DN mà khó khăn, không hoạt động được thì làm gì có tăng trưởng nên sẽ không có cả thu. Cho nên, về khía cạnh nào đấy vẫn phải có sự hỗ trợ để DN phục hồi sản xuất. Đấy là mục tiêu lâu dài, nuôi dưỡng nguồn thu. Cũng có chính sách nhất định để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này, sau này thu vững chắc hơn. Tuy nhiên, cân đối tài chính cũng phải tính toán sao cho cân bằng, lúc khó khăn như thế này thì thu cũng quan trọng nhưng cũng sắp xếp cả chi nữa để bền vững tài chính quốc gia.

Hiện nay, thu không phải là quá thấp nhưng cũng có những lúc bối cảnh kinh tế khó khăn, nhất là kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nên tuy Việt Nam không rơi vào khủng hoảng, nhưng cũng phải lùi thuế nhanh hơn dự kiến, cho nên động viên thấp hơn. Điều đó cũng gây khó cho cân đối tài chính. Chúng ta phải giải quyết hài hòa mối quan hệ này, giữa lâu dài và trước mắt phải cân đối hợp lý.
 
Tuy nhiên, chúng ta có thể tăng thu ngân sách bằng việc giải quyết triệt để các khoản nợ thuế ở nhiều tỉnh, thành phố, thưa Phó Thủ tướng?

Đúng vậy, chúng ta cũng cần phải tăng cường khâu này. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị báo cáo với Quốc hội về vấn đề giải quyết nợ đọng thuế. Theo đó, các khoản nợ đọng sai chế độ, chính sách thì kiên quyết phải thu hồi. Nhưng cũng có những trường hợp khó khăn quá chưa nộp được mà buộc phải có giãn, hoãn.

Chính phủ đã phải phát hành trái phiếu để huy động vốn, tuy nhiên, hiện nay lượng vốn này tồn đọng ở Kho bạc Nhà nước khá lớn. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Tồn ngân ở Kho bạc không phải tồn ngân của vốn trái phiếu. Tồn ngân Kho bạc là tồn ngân ngân sách. Ví dụ, phát hành ra một hạn mức, ở đấy các đơn vị đến rút tiền chi tiêu theo tiến độ. Khi anh có chứng từ mới được rút. Cái này có cả tồn từ nguồn thu ngân sách một phần chứ không phải hoàn toàn tồn vốn trái phiếu. Nếu theo tiến độ hiện nay tôi nắm được thì hiện tồn ngân của vốn trái phiếu không lớn.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến