Theo đó, FED cũng đưa ra dự tính sẽ tăng lãi suất tổng cộng 3 lần trong năm 2018 và dự kiến sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất đồng USD trong năm 2019. Trao đổi ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, nhận định:
Theo tôi, việc FED tăng lãi suất đồng USD sẽ tác động đến tình hình tỷ giá của Việt Nam trong năm nay. Thực ra việc FED tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng nhiều, nhưng do có nhiều yếu tố cộng hưởng khác. Một trong những yếu tố đó là thị trường chứng khoán.
Cụ thể, thị trường chứng khoán New York dao động mạnh, mất điểm rất nhiều vào cuối tuần qua. Ngay lập tức, thị trường chứng khoán tại Việt Nam cũng bị tác động. Sắp tới, tôi cho rằng sẽ còn có rất nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới, nếu như Hoa Kỳ đi vào cuộc chiến tranh thương mại với các nước khác như Trung Quốc, rồi những cuộc khủng hoảng chính trị trên thế giới có thể nổ ra như với Triều Tiên. Tất cả những điều này có thể tác động đến tình hình tỷ giá.
Đó là về phía ngoại lai. Còn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, năm nay nếu kinh tế tăng trưởng tốt sẽ đẩy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng, theo đó sẽ đẩy nhu cầu về ngoại tệ trong nước tăng lên.
Như vậy, việc FED tăng lãi suất ngày 22-3 và dự kiến tăng tổng cộng 3 lần trong năm và 3 lần trong năm 2019 sẽ làm tăng giá trị của đồng USD, cộng hưởng với các yếu tố khác nữa sẽ tác động lên tỷ giá tại Việt Nam. Do đó, tôi dự báo trong năm nay tỷ giá có thể biến động từ 1-3%.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, có ý kiến cho rằng hiện nay dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán cũng là một yếu tố cần chú ý, vì nếu dòng vốn này đảo chiều, kể cả khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt trên mức kỷ lục gần 60 tỷ USD, vẫn có bất trắc. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU - Đúng vậy. Thực tế sự rung lắc trên thị trường chứng khoán thế giới đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán vào cuối tuần qua. Nếu FED tăng lãi suất nhiều lần nữa, giá trị của đồng USD sẽ tăng lên, một số nhà đầu tư có thể rút vốn khỏi thị trường mới nổi để đầu tư trở lại thị trường truyền thống, trong đó có những thị trường của đồng USD. Như vậy Việt Nam có thể đối diện với một dòng vốn chảy ngược ra ngoài.
Bởi khi nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam phải đổi USD sang VNĐ để đầu tư, khi rút vốn ra sẽ đổi từ VNĐ sang USD. Tóm lại, nếu thị trường tài chính thế giới trong thời gian tới có những biến động, có thể tác động đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam và có sự thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam. Nếu xảy ra trường hợp thoái vốn, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, trên thị trường liên NH, lãi suất VNĐ liên tục giảm sâu, lãi suất qua đêm ngày 22-3 đã giảm về mức 0,7%/năm, trong khi lãi suất qua đêm giao dịch USD vẫn ở trên mức 1%/năm.
Điều này phản ánh trên thị trường liên NH, cầu USD vẫn cao, tính thanh khoản của USD không dồi dào như VNĐ. Những vấn đề này cộng thêm việc FED tăng lãi suất, sẽ tạo áp lực không chỉ lên tỷ giá trong nước mà còn tạo áp lực lên lãi suất huy động đối với tiền gửi USD.
- Ông đã từng nói vào năm ngoái, nếu FED tăng lãi suất thì Việt Nam nên xem xét lại mức lãi suất huy động đối với tiền gửi USD. Hiện tại ông có bảo lưu ý kiến này?
- Tôi vẫn nghĩ Việt Nam nên áp dụng một mức lãi suất huy động USD cao hơn mức 0%/năm để giữ lại nguồn tiền USD ở trong nước. Việc giữ lãi suất bằng 0%/năm giúp ổn định thị trường, nhưng đó là đối với thời điểm trước đây.
Còn sắp tới đây, FED vẫn cứ tăng lãi suất liên tục, Việt Nam vẫn giữ lãi suất USD bằng 0%/năm sẽ có khả năng mất ngoại hối do nguồn tiền trong nước chảy ra nước ngoài. Thậm chí cũng có khả năng các NHTM tại Việt Nam đổ một lượng tiền gửi ở nước ngoài để nhận lãi suất USD.
Tăng lãi suất tiền gửi USD sẽ hạn chế được sự dịch chuyển dòng vốn này. Ngoài ra, nâng lãi suất USD trong nước cũng sẽ giải quyết được bài toán huy động ngoại tệ trong dân theo yêu cầu của Chính phủ, vì hiện nay lượng USD trôi nổi trên thị trường rất nhiều. Trong đó có những tiệm vàng kinh doanh USD trên thị trường tự do, có USD của người dân dự trữ trong nhà để chờ tỷ giá sẽ tăng bán ra.
- Nhưng chính sách tiền tệ ở Việt Nam đa mục tiêu, chúng ta phải giữ chênh lệch VNĐ-USD ở mức độ nhất định để chống đô la hóa nền kinh tế, nếu lãi suất USD tăng sẽ làm thu hẹp chênh lệch này?
- Hiện tại lãi suất VNĐ vẫn ở mức 7%/năm, đây là mức lãi suất hấp dẫn. Lãi suất tiền gửi bằng USD là 0%/năm. Khoảng cách này đáng kể để người dân giữ tiền bằng VNĐ, không đổi ra USD. Nếu bây giờ tăng lãi suất huy động tiền gửi USD có thể làm cho gửi tiền bằng VNĐ bớt hấp dẫn đi.
Trong trường hợp này để duy trì tiền gửi bằng VNĐ lãi suất huy động VNĐ có thể lại điều chỉnh tăng lên, điều này lại đi ngược với chủ trương của Chính phủ là phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thành ra Việt Nam đứng trong một thế cục rất khó khăn để cân đối lãi suất huy động tiền gửi USD. Song tôi nghĩ với những lần tăng lãi suất tiếp tục của FED trong năm nay, NHNN có thể xem xét điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD lên mức 0,5%/năm.
- Xin cảm ơn ông.
Theo Sài Gòn đầu tư Tài chính
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy