Công an Hà Nội cảnh báo thủ đoạn lừa đảo yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng
26/01/2016 12:23:03
Ngày 25/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị chỉ đạo các ngân hàng thông báo rộng rãi về thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của đối tượng giả danh công an, kiểm sát, toà án…

Tin liên quan

Theo Công an Hà Nội, thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng mạo danh cơ quan công an, Viện kiểm sát, Toà án gọi điện thoại, đồng thời thông báo về việc người nhà nạn nhân đang bị điều tra vì bị nghi ngờ có hành vi rửa tiền, mua bán ma tuý, lừa đảo,…

Sau đó các đối tượng “mở đường” cho nạn nhân để chứng minh là mình vô can thì phải gửi toàn bộ số tiền hiện có vào tài khoản tại ngân hàng do các đối tượng cung cấp, nếu quá trình điều tra không phát hiện vi phạm sẽ được hoàn trả đầy đủ.

Trước sự đe doạ của các đối tượng, một số nạn nhân nhẹ dạ, lầm tưởng người nhà mình liên quan đến hành vi phạm pháp luật nên đã gửi tiền theo yêu cầu, đến khi phát hiện thì số tiền đã “bốc hơi”.

Cũng theo Công an Hà Nội, trong thời gian vừa qua đã có 12 nạn nhân bị lừa đảo với thủ đoạn nêu trên đến cơ quan công an trình báo. Điển hình, chị Lương Thị T (trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã bị một đối tượng nữ gọi điện thông báo với gia đình về việc nợ cước điện thoại với số tiền gần 9 triệu đồng.

Sau đó, một đối tượng nam tự xưng là cán bộ Cảnh sát thuộc Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra một vụ án ma tuý và nghi ngờ chị T có liên quan đến đường dây tội phạm này, rồi yêu cầu chị T chuyển gần 750 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển tiền xong chị T mới biết mình bị lừa.

Tương tự, chị Lê Thị P (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng “sập bẫy” lừa đảo của các đối tượng và bị chiếm đoạt gần 2,4 tỷ đồng. Còn bà Trần Thị A (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng bị lừa 1,2 tỷ đồng với thủ đoạn mạo danh công an đang điều tra những giao dịch bất thường thông qua tài khoản của bà A.

Kết quả điều tra cho thấy, sau khi các nạn nhân gửi tiền, đối tượng ngay lập tức đến ngân hàng rút tiền đều sử dụng Chứng minh Nhân dân giả. Để phòng ngừa, ngăn chặn những thủ đoạn lừa đảo nêu trên, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng ra thông báo về phương thức thủ đoạn của tội phạm; hướng dẫn người dân chủ động phòng, ngừa; tăng cường kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên Chứng minh Nhân dân với người đến giao dịch mở thẻ, rút tiền; nếu phát hiện các trường hợp nghi vấn thì báo ngay công an.

Theo CAND

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến