Cặp biến số “nan giải” trong bài toán NSNN
02/07/2015 12:32:12
ANTT.VN - Tăng trưởng thu ngân sách Nhà nước mới chỉ bằng non nửa so với cùng kỳ 2014, trong khi khối lượng phát hành trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) thậm chí chưa đạt 1/3 kế hoạch. Bài toán ngân sách nhà nước (NSNN) đang ngày thêm “nan giải”.

Tin liên quan

Bài toán NSNN đang trở nên "nan giải"

Số liệu vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTC) công bố cho thấy, thu ngân sách Nhà nước đã tăng chậm hơn so với cùng kỳ 2014.

Cụ thể, lũy kế đến ngày 15/06/2015, tổng thu NSNN mới chỉ tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong khi một năm trước đó, con số tương ứng đã là 16,2%.

Nguyên nhân của hiện tượng này, theo UBGSTC, xuất phát từ hai yếu tố: (i) Thu từ dầu thô lũy kế 15/06 chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ; do giá dầu thanh toán bình quân vẫn ở mức thấp ; (ii) Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 29,6%); do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có thuế suất cao tăng chậm so với cùng kỳ 2014.

Không chỉ vậy, bài toán NSNN đã khó lại càng thêm khó khi kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ vẫn đang vấp phải không ít trở ngại.

Theo đó, tính đến 17/6, phát hành trái phiếu KBNN chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014; mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015. Lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015.  

Lý giải cho việc suy giảm phát hành trái phiếu KBNN, UBGSTC đã chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu: (i) Việc chỉ phát hành trái phiếu KBNN kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây; (ii) Khu vực ngân hàng giảm cầu trái phiếu KBNN do tăng trưởng tín dụng tốt hơn, kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các TCTD phải cân đối thanh khoản; (iii) Nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của KBNN và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm (giá trị đặt thầu thấp hơn giá trị gọi thầu).

Do đó, để hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP năm 2015, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất cần thiết”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia khuyến nghị.

Liên quan đến câu chuyện NSNN, tại phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu: “NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn Dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung đầu tư phát triển, đảm bảo an toàn tài chính tiền tệ quốc gia”.

Với yêu cầu mà nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối nêu trên, có thể thấy, ở một khía cạnh nào đó, Chính phủ đã phát đi tín hiệu về việc tìm kiếm một biện pháp cân đối thu chi trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến