Dòng sự kiện:
Câu chuyện cái ốc vít, nàng hoa hậu bò và giải thưởng khoa học
16/10/2014 11:45:20
ANTT.VN - Thời gian vừa qua, câu chuyện “cái ốc vít” đã trở thành một chủ đề tranh luận dài kỳ trên các mặt báo và trên các diễn đàn, kể cả trong những chương trình nghị sự quan trọng rất nhiều những câu hỏi (hay nỗi trăn trở) đã được đặt ra về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp hiện nay!

Giải nhất giải thưởng Vifotec 2012 được thường 40 triệu đồng (Nguồn: Vifotec)

Việc một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Samsung “mời” các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng 170 phụ kiện cho 2 “tuyệt phẩm” Galaxy S4 và Galaxy Tab lẽ ra là một điều rất đáng mừng, khi điều đó mở ra cơ hội giúp nền sản xuất trong nước gia nhập một thị trường đầy “màu mỡ”.

Chỉ cần làm một bài toán kinh tế đơn giản, tính riêng sạc pin các loại mỗi năm Samsung cần tới 400 triệu sản phẩm, lợi nhuận sơ sơ cho mỗi cái là nửa đô thì nếu “bao thầu” hết thì một năm nền thu nhập quốc dân cũng được thặng dư được thêm 200 triệu USD.

Cơ hội rất gần là thế, lợi nhuận hứa hẹn là thế nhưng mà chậm rãi nhìn lại một cách thấu đáo thì chợt đau đớn nhận ra hiện thực chua chát là thực lực ta chưa thể đáp ứng nổi, khi mà ngay cả những doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống vẫn còn “chưa làm được”, dẫu rằng đó chỉ là những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe…  

Và ngược trở về trước vài năm, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản Canon cũng đã bất lực trong việc tìm đối tác cung ứng ốc vít dẫu rằng họ đã tìm kiếm khắp cả nước, làm việc với trên dưới hai chục doanh nghiệp (tới thời điểm hiện tại, theo một vị Bộ trưởng, “cái đó” hiện chúng ta cũng đã làm được rồi).

Nhiều chỉ trích theo kiểu “sản xuất Tiến sỹ nhanh hơn sản xuất ốc vít” đã được đưa ra và nhiều chuyên gia, nhiều nhà kinh doanh, nhiều nhà khoa học cũng phải đau đớn, ngậm ngùi thừa nhận. Không ít người đã cố gắng tìm hiểu và đưa ra ý kiến lý giải cho thực tế kém vui đó, nguyên nhân thì nhiều, giáo dục, lộ trình, thái độ, tinh thần, năng lực….

Và có lẽ còn một nguyên nhân nữa ít được chú ý, đó là cơ chế đãi ngộ và chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu, sáng tạo khoa học công nghệ.

Những người nghiên cứu cũng như công tác nghiên cứu khoa học công nghệ ở nước ta thực sự chưa được coi trọng và đầu tư đúng mức. Trong khi ở các nước khác, thu nhập của một người làm khoa học thoải mái đảm bảo và chi tiêu cho cả gia đình thì ở Việt Nam, với mức lương theo kiểu nhân hệ số, mỗi cán bộ, mỗi nhà nghiên cứu hiện đang hết sức chật vật trong những toan lo cuộc sống.

Những câu chuyện như “hai bằng tiến sỹ, lương hơn hai triệu” đã được nhắc đến khá nhiều lần. Rõ ràng một bộ não sáng tạo dẫu say mê nghiên cứu, yêu thích khoa học đến đâu thì chắc chắn cũng chẳng thể toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ nghiên cứu, sáng chế,  phát kiến và ứng dụng của mình với một cái bụng thường xuyên co thắt.

Ngoài việc kém sáng tạo và sáng tạo thiếu ứng dụng tại các viện nghiên cứu chính thống do cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng thì chính sách khuyến khích những sáng tạo, phát kiến khoa học công nghệ trong xã hội và trong chính các doanh nghiệp hình như cũng vẫn chưa được đề cao.

Trong khi các chương trình giải trí, cuộc thi truyền hình ngày càng được quảng bá rầm rộ, giải thưởng cao chót vót, như ngôi vị thần tượng âm nhạc (Vietnam Idol) có giá trị giải thưởng lên đến 600 triệu đồng, quán quân giọng hát Việt nhí được thưởng 500 triệu đồng… và thậm chí là chủ nhân của nàng “hoa hậu bò” trong một cuộc thi sắc đẹp giành cho loài động vật nhai lại mới được tổ chức ở Mộc Châu này cũng được nhận số tiền thưởng lên đến 60 triệu đồng thì với giải nhất - giải thưởng Sáng tạo khoa học Công nghệ Việt Nam Vifotec cho công trình "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo thử nghiệm trang thiết bị đồng bộ phục vụ xử lý sự cố lún nghiêng- sập công trình xây dựng và di dời nhà" cha con nhà khoa học TS. Đỗ Quốc Việt và Ths. Đỗ Quốc Khánh chỉ được nhận một số tiền thưởng khiêm tốn 40 triệu đồng (ngoài ra, tất nhiên còn có những tấm bằng khen và kỷ niệm chương).

Vẫn biết rằng nhiều nhà khoa học, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà sáng chế hay các kỹ sư, công nhân làm việc, sáng tạo và sáng chế không phải bởi các giải thưởng, bằng khen, tượng vàng, tượng bạc; trước hết họ làm vì lòng say mê, tinh thần yêu khoa học hay chỉ đơn giản là bởi yêu cầu của công việc, vì nhiệm vụ nhưng thiết nghĩ cần có những chính sách, cơ chế hợp lý hơn, xứng đáng hơn để phát huy, thúc đẩy công tác nghiên cứu, sáng tạo, phát minh và cải tiến công nghệ, cái thiện trình độ sản xuất, năng suất lao động.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến