Dòng sự kiện:
Chậm lên sàn: Toàn vì lỗi... khách quan?
11/12/2018 14:02:23
Nếu quy định mới tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 180/2015/TT-BTC được ban hành, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa sẽ không còn lý do gì để trì hoãn việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Theo danh sách cập nhật tới ngày 15/11 của Bộ Tài chính, hiện còn tới 667 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (gồm 295 doanh nghiệp là công ty thành viên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc các bộ, ngành và 372 doanh nghiệp trực thuộc các địa phương). Trong số này, chỉ có khoảng 44 doanh nghiệp cho biết đang thực hiện thủ tục để chuẩn bị cho việc đăng ký giao dịch, niêm yết.

Bản cập nhật danh sách của Bộ Tài chính cũng kèm theo lý do chậm lên sàn được các doanh nghiệp báo cáo. Ngoài lý do chưa trở thành công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu đăng ký giao dịch cổ phiếu (như vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng, hay số lượng cổ đông ít hơn con số 100 cổ đông), doanh nghiệp kinh doanh khó khăn đang tập trung tái cơ cấu thì có những lý do khá.. lạ! 

Trong danh sách chậm lên sàn mới bị Bộ Tài chính “bêu tên”, có những doanh nghiệp quy mô lớn như Ngân hàng thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank). PGBank nằm trong số 5 đơn vị trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có tên trong danh sách này.

Theo Công văn gửi Bộ Tài chính, PG Bank cho biết, do Ngân hàng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nên chưa có kế hoạch giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Báo cáo tài chính quý III/2018 của PG Bank cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 27.064 tỷ đồng, giảm 7,6% so với đầu năm nay. Nợ xấu của Ngân hàng lên tới 4,5% tổng dư nợ, với con số tuyệt đối là 946 tỷ đồng, có xu hướng tăng nhẹ so với hồi đầu năm.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận về mặt nguyên tắc với phương án sáp nhập PGBank vào Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank). Với diễn biến này, câu chuyện đưa cổ phiếu lên sàn của PGBank có lẽ không còn cần phải bàn tới.

Tái cơ cấu hoạt động doanh nghiệp, thay đổi tổ chức cũng là lý do Công ty cổ phần Len Việt Nam viện dẫn cho việc chưa triển khai kế hoạch lên sàn. Nhiều năm nay, đơn vị rất khó khăn, kinh doanh thua lỗ liên tục. Báo cáo thường niên 2017 của Len Việt Nam cho thấy, Công ty lỗ 9,6 tỷ đồng trong năm 2016; lỗ 30,6 tỷ đồng trong năm 2017. Năm 2018, Công ty đặt kế hoạch lỗ gần 11 tỷ đồng. 

Kinh doanh thua lỗ nhiều năm cũng là lý do được nhiều doanh nghiệp đưa ra làm lý do cản trở quá trình lên sàn chứng khoán, mặc dù sàn UPCoM không có yêu cầu phải có lãi vài năm liên tiếp trước như hai sàn niêm yết chính thức. Đáng nói là danh sách này khá dài.

Trong nhóm này, đáng chú ý có Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai (Giấy Tân Mai). Từ năm 2010 đến nay, Công ty liên tục báo lỗ. Tính đến cuối năm 2016, Giấy Tân Mai có khoản lỗ lũy kế 552 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty bất ngờ báo lãi sau thuế lên tới 608,8 tỷ đồng, do Công ty có khoản thu nhập khác lên tới 975 tỷ đồng khi chuyển nhượng bất động sản và hợp tác đầu tư để khai thác các quỹ đất của Công ty. 

Nhờ vậy, Công ty không còn lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản ở mức 7.573 tỷ đồng. Tuy vậy, nợ phải trả chiếm hơn 88% tổng nguồn vốn, ở mức 6.738 tỷ đồng, tức gấp 8 lần vốn điều lệ.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán có một số ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính 2017 của Giấy Tân Mai liên quan đến việc Công ty chưa ghi nhận chi phí thanh lý tài sản của Nhà máy Giấy Đồng Nai, thiệt hại do cây trồng chết cũng như khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái vào kết quả kinh doanh.

Danh sách doanh nghiệp báo cáo thua lỗ còn kéo dài, trong đó có những cái tên như Công ty cổ phần Vinalines Nha Trang, Công ty cổ phần Điện tử và truyền hình cáp Việt Nam, Công ty cổ phần Kinh doanh thiết bị và truyền thông, Công ty cổ phần Gạch men Cosevco, Công ty cổ phần Môi trường dịch vụ đô thị Phú Thọ, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Nam...

Chưa là công ty đại chúng, công ty đang còn khó khăn thua lỗ là những khó khăn có thể lý giải cho việc chậm lên sàn. Vậy nhưng, tại một số doanh nghiệp, lý do đưa ra rất… giời ơi. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Cấp nước trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ cho biết nguyên nhân chậm trễ lên sàn là do… “người đại diện phần vốn nhà nước chưa quan tâm”!?

Một số doanh nghiệp thì đưa ra lý do: Việc đưa cổ phiếu lên giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán chưa mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông. 

Đáng nói là có những công ty chậm lên sàn, nhưng lại không hợp tác cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính. Đơn cử như Công ty cổ phần Nhựa cao cấp HK (APLACO) trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Việc chây ì thực hiện nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên sàn sau cổ phần hóa là câu chuyện nhức nhối trên thị trường chứng khoán lâu nay, không chỉ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu, mà còn có thể làm cản trở mục tiêu minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này sau cổ phần hóa, ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư của doanh nghiệp…

Dù Chính phủ đã ban hành nghị định về gắn cổ phần hóa với đưa cổ phiếu lên sàn (khi lập hồ sơ IPO, doanh nghiệp phải đồng thời lập hồ sơ đăng ký lưu ký và hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán (nếu đủ điều kiện).

Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM), nhưng số lượng doanh nghiệp chây ì lên sàn vẫn rất dài.

Để thúc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, mới đây, trong Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 180/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính đã sửa đổi Điểm d, Khoản 1, Điều 3.

Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương thức đấu giá công khai và chưa niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Quy định này nhằm loại bỏ lý do “chưa đủ điều kiện trở thành công ty đại chúng theo quy định” mà nhiều doanh nghiệp vin vào để chậm trễ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán.

Tuy vậy, ngay cả khi quy định “mở toang” cho các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa lên UPCoM được ban hành, thì để quy định này đem lại hiệu quả trong thực tiễn, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần thêm những chế tài mạnh mẽ hơn để xử lý những doanh nghiệp vi phạm, tránh hiện tượng nhờn luật như hiện nay. 

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến