Chậm tiến độ 'không phải việc chúng mày': Dự án buýt nhanh 1.000 tỷ nằm im trên phố
01/07/2016 10:16:31
ANTT.VN – Khởi công từ năm 2013 và theo dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015, tuy nhiên cho đến thời điểm này tuyến buýt nhanh có tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Tin liên quan

Dự án xe buýt nhanh Hanoi BRT là một hợp phần nằm trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1837/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 và sử dụng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế Giới.

Đây là Dự án được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội.

Hệ thống xe buýt nhanh Hanoi BRT do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội triển khai xây dựng, có chiều dài khoảng 14,7km, có điểm đầu là bến xe Yên Nghĩa và điểm cuối là bến xe Kim Mã với 21 nhà chờ, 1 trạm trung chuyển là bến xe Kim Mã, 4 cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ và 1 trạm sửa chữa.

Lộ trình tuyến buýt nhanh Hà Nội

Theo quan sát của PV ANTT.VN, hiện việc xây dựng những nhà chờ đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên qua thời gian phơi mưa, phơi nắng những nhà chờ đã có dấu hiệu xuống cấp, bị phủ bụi và đang nằm im lìm giữa những con đường tấp nập xe cộ qua lại.

Tại nhà chờ trên đường Giảng Võ

Tại nhà chờ trên đường Tố Hữu đã xây dựng phần đường bằng bê tông để phục vụ cho tuyến buýt này, bên trong một số nhà chờ khác cũng đã lắp đặt hệ thống quạt trần, cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ. Tuy nhiên hệ thống nhà chờ và cầu đi bộ vẫn vắng hui hắt.

Bên trong đã được trang bị hệ thống quạt trần

Theo quảng bá trên website hanoibrt.vn thì  tốc độ di chuyển của xe buýt nhanh và an toàn vì chạy trên làn đường riêng kết hợp với hệ thống đèn tín hiệu giao thông ưu tiên đảm bảo xe buýt nhanh di chuyển nhanh hơn do tách khỏi giao thông hỗn hợp và không phải dừng nhiều tại các nút giao thông.

Nhà chờ trên đường Láng Hạ 

Có treo biển "không nhiệm vụ miễn vào"

Bên trong và bên ngoài nhà chờ còn có những bao xi măng dang dở

Nhưng có thể dễ nhận thấy, trên tuyến đường buýt nhanh đi qua chủ yếu là có từ 2 – 3 làn đường mà với mật độ giao thông hiện nay 3 làn đường còn chưa đủ để phục vụ nhu cầu đi lại, tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra, nếu lập nguyên một làn đường cho tuyến buýt nhanh thì không biết giao thông tuyến đường này sẽ như thế nào?

Nhà chờ Hoàng Đạo Thúy 

Được biết, thời gian dự kiến đi vào hoạt động của tuyến buýt nghìn tỷ này là vào cuối năm 2015, tuy nhiên có thể thấy đến nay đã là cuối tháng 6/2016 nhưng dự án vẫn chưa có nhiều tiến triển. Trả lời trên báo chí về nguyên nhân của việc chậm tiến độ, ông Vũ Hà – Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị, Sở GTVT cho biết là do việc thi công chồng chéo với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và phải tham khảo nước ngoài các tiêu chuẩn thiết kế, hành lang nên dẫn tới thời gian kéo dài.

Nhà chờ trên đường Lê Văn Lương khang trang im lìm giữa dòng xe cộ

Ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện thành phố đang tiến hành rà soát toàn bộ dự án tuyến buýt nhanh BRT và ông Viện cũng thừa nhận khó khăn nhất là lên phương án tổ chức giao thông, vì hiện lượng phương tiện đã tăng cao so với thời gian nghiên cứu dự án từ năm 2007, khi Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội, trong quá trình nghiên cứu tính dự báo không lường trước được nên khi áp vào thực tế thì có nhiều vấn đề.

Hệ thống cầu đi bộ tiếp cận nhà chờ trên đường Tố Hữu

Tuyến buýt nhanh Hà Nội chạy theo lộ trình: Điểm đầu Yên Nghĩa - Nhà chờ Ba La - Nhà chờ Văn La - Nhà chờ Văn Phú - Nhà chờ La Khê - Nhà chờ KĐT ParkCity - Nhà chờ La Khê - Nhà chờ An Hưng - Nhà chờ Văn Khê - Nhà chờ Vạn Phúc - Nhà chờ Vạn Phúc 1 - Nhà chờ Vạn Phúc 2 - Nhà chờ Mỗ Lao - Nhà chờ Trung Văn - Nhà chờ Lương Thế Vinh - Nhà chờ Khuất Duy Tiến - Nhà chờ Nguyễn Tuân - Nhà chờ Hoàng Đạo Thúy - Nhà chờ Vũ Ngọc Phan - Nhà chờ Thành Công - Nhà chờ Triển lãm Giảng Võ - Nhà chờ Núi Trúc - Trạm Kim Mã.

Cửa nhà chờ trên đường Tố Hữu bị mở

Bên trong nhà chờ toàn bụi bẩn

Tổng mức đầu tư của dự án là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

BRT được coi là rẻ hơn 20 lần so với tàu điện ngầm và nếu được thiết kế tốt, BRT có thể chở được lượng hành khách tương đương với tàu điện ngầm. Đây chính là lý do BRT thường được gọi là "Metro trên mặt đất".

Cửa nhà chờ

Phần đường bên ngoài một số nhà chờ đã được đổ bê tông

Dự án được khởi công đầu năm 2013, dự kiến ban đầu sẽ khai thác vào quý 2/2015 nhưng đã chậm tiến độ hơn một năm.

Thiên Di

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến