Chặng đường 70 năm của Nhân dân tệ
02/12/2015 15:51:06
ANTT.VN – Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) ngày hôm qua (30/11) tuyên bố chấp nhận bổ sung đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền – Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của đồng tiền này.

Tin liên quan

Những cố gắng không ngừng nghỉ của Bắc Kinh cuối cùng cũng đã nhận được "quả ngọt". Ảnh: PBOC - Bloomberg

Theo đó, NDT sẽ chính thức trở thành thành viên thứ năm trong giỏ SDR sau USD, EURO, Yên Nhật và Bảng Anh kể từ ngày 01/10/2016.

Đây được đánh giá là một thành công to lớn của Bắc Kinh, cho thấy ghi nhận của thế giới đối với những cải cách không ngừng của Chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Dưới đây là “hành trình 70 năm” của đồng Nhân dân tệ:

2015

30/11: Hội đồng Quản trị IMF, đại diện cho 188 quốc gia thành viên, quyết định rằng NDT đã đạt được tiêu chí quan trọng nhất – “tự do lưu chuyển”, qua đó chấp nhận bổ sung thêm đồng tiền này vào giỏ tiền SDR.

13/11: Một nhóm quan chức cấp cao của IMF đề xuất bổ sung thêm NDT vào SDR.

20/10: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bán 5 tỉ NDT trái phiếu kì hạn 1 năm trên sàn London. Đây là lần đầu tiên nước này phát hành chứng chỉ nợ quốc tế, động thái rõ ràng cho thấy Bắc Kinh đã sẵn sàng mở cửa thị trường trái phiếu Chính phủ cho các tổ chức tài chính quốc tế, một điều kiện cấu thành nên tiêu chí “tự do lưu chuyển tiền tệ” của IMF.

25/9: Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama, cả hai bên đã đưa ra một thông cáo chung, tuyên bố rằng Mỹ ủng hộ NDT gia nhập SDR, miễn là đồng tiền này đạt được đủ các tiêu chí của IMF.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng ngày 25/9. Ảnh: Bloomberg

10/11: PBOC cho biết ngân hàng này sẽ cho phép các Ngân hàng Trung ương cũng như các quỹ tài chính tiếp cận thị trường tiền tệ trong nước.

11/8: PBOC phá giá NDT ở mức kỉ lục 1,9%, mức lớn nhất kể từ 1994. Một phương thức tính lãi suất hàng ngày mới đồng thời được công bố.

04/8: IMF cho biết Bắc Kinh cần nỗ lực hơn nữa nếu muốn đồng nội tệ của họ gia nhập SDR, đồng thời cho rằng sớm nhất phải đến tháng 9/2016 sự kết nạp này mới diễn ra.

14/7: Trung Quốc cho phép các Ngân hàng Trung ương, tổ chức tài chính quốc tế tiến hành mua bán trái phiếu liên ngân hàng không cần phải báo cáo trước.

2014

17/11: Một phương thức kết nối giữa sàn chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải được thành lập, giúp trao đổi khoản vốn lên tới 23,5 tỉ NDT (3,7 tỉ USD) mỗi ngày giữa hai thị trường. Hồng Kông đồng thời cũng dỡ bỏ giới hạn trao đổi đồng NDT đối với cư dân của vùng lãnh thổ này.

Chương trình "Kết nối chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông" bắt đầu được áp dụng ngày 17/11/2014. Ảnh: Bloomberg

30/9: EURO - NDT bắt đầu được trao đổi trực tiếp trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng Trung Quốc.

17/3: PBOC nới lỏng biên độ giao dịch đồng NDT lên 2% từ 1% trước đó.

2013

12/7: Trung Quốc nâng hạn ngạch đối với chương trình Qualified Foreign Institutional Investor từ 80 tỉ USD lên 150 tỉ USD đồng thời mở rộng ra một số trung tâm tài chính lớn trên thế giới như Signapore hay London. 

2012

14/4: PBOC nới rộng biên độ giao dịch của đồng NDT thêm 0,5% lên 1%. Thay đổi đầu tiên kể từ năm 2007.

2011

Bắt đầu thử nghiệm chương trình Qualified Foreign Institutional Investor.

2010

19/6: PBOC tuyên bố sẽ thúc đẩy quá trình thả nổi tỉ giá hối đoái, tuy nhiên không đưa ra một khung thời gian cụ thể.

25/6: Chủ tịch Trung Quốc thời điểm ấy Hồ Cẩm Đào phát biểu tại Đối thoại Chiến lược & Kinh tế Mỹ - Trung rằng Bắc Kinh đang hướng tới cải cách toàn diện chính sách tiền tệ của mình.

Cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Đối thoại Chiến lược & Kinh tế Mỹ - Trung tại Bắc Kinh, 25/5/2010. Ảnh: Bloomberg

2007

18/5: PBOC nới rộng biên độ giao dịch đồng NDT lên 0,5% từ mức 0,3% trước đó.

2005

21/7: Trung Quốc chấm dứt thời kì chính sách tỉ giá cố định với USD, cho phép đồng tiền này dao động trong một rổ tiền tệ. Bắc Kinh đã chấp nhận cho NDT tăng thêm 2,1% lên 8,11 NDT/ 1 USD sau tuyên bố trên. Động thái chưa từng có trong lịch sử nước này.

Trước đó, 2 thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi đánh thuế lên tới 27,5% vào hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trừ khi quốc gia này dỡ bỏ kiểm soát đối với đồng NDT.

2004

01/10: Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên và Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc khi đó Jin Renqing đã có cuộc gặp với lãnh đạo nhóm các nước phát triển G7 tại Washington. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được mời tham dự một cuộc họp của G7.

Thống Đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên (giữa) trong cuộc họp của G7, 01/10/2004. Ảnh: AFP

2003

Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush kêu gọi Trung Quốc định giá lại hoặc thả nổi NDT. Các công ty Mỹ cho rằng NDT được định giá thấp hơn 40% giá trị thực vào thời điểm đó.

2002

28/3: Thống đốc PBOC Dai Xianglong tuyên bố nước này đang cân nhắc mở rộng trao đổi đồng NDT với nhiều đồng tiền mạnh khác, hơn là chỉ mỗi USD.

1997-1999

Trong tâm bão khủng hoảng tài chính châu Á thời kì này, Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia khác kêu gọi Trung Quốc không phá giá đồng NDT, tránh gây ra một sự đổ vỡ dây chuyền.

1996

Tháng 12: Trung Quốc cho phép một số ngân hàng nước ngoài tại Thượng Hải thực hiện trao đổi NDT, qua đó khiến đồng tiền này, mặc dù vẫn rất hạn chế, được tự do chuyển đổi nhiều hơn trước.

1995

29/12: NDT kết thúc năm tài chính giao dịch ở mức 8,317 NDT ăn 1 USD, tăng so với con số 8,70 hai năm trước. Tỉ lệ này thay đổi rất ít cho tới năm 2005.

1994

18/04: Hệ thống Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc được thành lập ở Thượng Hải, cho phép trao đổi đồng NDT với USD, Yen và Đô la Hồng Kông.

1993

Tháng 11: Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đề ra mục tiêu thực hiện chính sách tỉ giá hối đoái trong dài hạn.

1990

17/11: Tỉ giá hối đoái chính thức được đặt ở mức 5,22 NDT/ 1 USD.

1985

1/1: Tỉ giá hối đoái được đặt ở mức 2,8 NDT ăn 1 USD.

1981

Tháng 1: Bắc Kinh đặt tỉ giá hối đoái cho các giao dịch quốc tế ở mức 2,8 NDT/ 1 USD. Đối với những giao dịch khác, tỉ lệ này là 1,5.

1979

Tháng 3: Cục Nhà nước về Ngoại hối được thành lập nhằm quản lý các hoạt động tiền tệ. Đồng thời, Ngân hàng Trung Quốc BOC được chỉ định là Ngân hàng ngoại hối của nước này.

1978

Tháng 12: Trung Quốc bắt đầu cải cách và mở cửa chính sách tiền tệ dưới thời Đặng Tiểu Bình.

1948

01/12: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) được thành lập. Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ đầu tiên được phát hành bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc, trước khi tổ chức này giành thắng lợi trong cuộc nội chiến với Quốc Dân Đảng, giành quyền kiểm soát toàn lãnh thổ Đại Lục vào ngày 01/10/1949.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến