Giấc mơ của đồng Nhân dân tệ (P1)
21/09/2015 09:16:27
ANTT.VN - Sức mạnh tăng lên của Trung Quốc trong cả kinh tế lẫn chính trị liệu có nâng tầm ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu? Mục đích cũng như lợi ích mà Trung Quốc có thể đạt được khi đồng NDT gia nhập rổ SDR là gì?

Tin liên quan

Phần I:

Tại sao lại là SDR?

Năm 1962, một thứ trưởng bộ Tài chính của Mỹ lúc bấy giờ tái khẳng định vị trí trung tâm của đồng USD trên trường quốc tế bằng phát biểu: “Vai trò của đồng USD là sự thật hiển nhiên, đi song song với sức mạnh kinh tế và địa vị chính trị toàn cầu của nước Mỹ.”.

Một vài người có thể nhầm lẫn câu nói này với Lý Tiểu Xuyên, thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, người năm 2012 đã tuyên bố rằng sức mạnh tăng lên của Trung Quốc trong cả kinh tế lẫn chính trị sẽ nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của đồng Nhân dân tệ.

Tuy nhiên những cố gắng của ông Lý cùng giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy vai trò toàn cầu của đồng NDT có thể đang bị cản trở bởi những cơ chế trong chính nội tại nền kinh tế Trung Quốc.

Mặc dù gần đây Bắc Kinh thông báo nước này có thể xem xét thả nổi tỉ giá hối đoái, tuy nhiên bước đi này dường như lại mâu thuẫn với những nỗ lực giải cứu thị trường chứng khoán và kiểm soát nền kinh tế đang có dấu hiệu chệch hướng của chính phủ nước này.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên.

Kể từ khủng hoảng tài chính 2008, Trung Quốc đã và đang ưu tiên toàn cầu hóa đồng NDT lên hàng đầu. Điểm nhấn lớn nhất của những nỗ lực này là việc cố gắng thuyết phục Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) bổ sung thêm đồng NDT vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của tổ chức này.

Quyền rút vốn đặc biệt SDR là một loại tiền ảo, một công cụ tài chính được tạo ra năm 1969 nhằm tăng tính thanh khoản của vàng và USD trong hệ thống tỉ giá cố định Bretton Woods. Đồng tiền này hiện nay được định giá thông qua một rổ tiền bao gồm những đồng tiền mạnh của thế giới – đồng USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật.

Mặc cho những cố gắng liên tục trong nhiều năm qua của Bắc Kinh, IMF đã gửi đi những tín hiệu hàm ý rằng sớm nhất cũng phải đến cuối năm 2016 đồng NDT mới được gia nhập SDR. Đây có thể xem như một đòn đau đánh vào tham vọng của chính phủ Trung Quốc. (Năm 2011, đồng NDT cũng từng được xem xét thêm vào SDR, nhưng bị IMF từ chối vì không đảm bảo tiêu chí “tự do sử dụng”.)

Tuy nhiên về mặt tích cực, Trung Quốc sẽ có thêm thời gian cải cách hệ thống chính sách tiền tệ cho phù hợp với yêu cầu của IMF. Ngoài ra, đây cũng sẽ là khoảng thời gian quý giá để Trung Quốc phổ biến đồng NDT rộng rãi hơn trên thị trường toàn cầu.

Bắc Kinh sẽ còn phải làm rất nhiều việc nếu muốn gia tăng ảnh hưởng của đồng NDT trên toàn cầu.

Vậy tại sao Bắc Kinh lại muốn đồng NDT gia nhập SDR tới vậy?

Chúng ta sẽ bắt đầu với những tham vọng bành trướng vai trò của đồng USD trong những năm 1960s của Mỹ.

Trong suốt thập niên 60s, Mỹ mở một chiến dịch dưới danh nghĩa SDR nhằm mục đích cuối cùng là loại bỏ vai trò của vàng trong trao đổi tiền tệ, kết thúc bằng việc thông qua IMF tạo nên SDR năm 1969.

Ngay sau đó, một nhóm lãnh đạo của bộ Tài chính nước này, dẫn đầu bởi Paul Volcker - thứ trưởng phụ trách vấn đề tiền tệ quốc tế, bắt đầu đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích sử dụng SDR. Họ cố gắng xoa dịu những lo ngại của châu Âu rằng đồng USD không thể cung cấp đủ tính thanh khoản trên phạm vi toàn cầu dưới hệ thống bản vị vàng - ràng buộc USD với vàng ở một tỉ lệ cố định.

Mặc dù Paul Volcker cùng đồng sự ban đầu không muốn SDR chiếm một vai trò lớn trong nền kinh tế toàn cầu cũng không nghĩ nó có thể, ông ta đã viết trong một báo cáo rằng tuyên truyền, phổ biến SDR là “rất quan trọng về mặt tâm lý”, giúp xóa bỏ những nghi ngại về đồng USD.

Tuy nhiên, sự kết thúc của hệ thống bản vị vàng năm 1971 và chính sách thả nổi tỉ giá hối đoái của Mỹ đã xóa bỏ nhu cầu sử dụng SDR nhằm tăng tính thanh khoản quốc tế. Trước năm 1972, giới chức Mỹ đã quay sang phản đối mở rộng vai trò của SDR, lo sợ rằng nó có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới đồng USD. Đối với nước Mỹ, SDR chỉ là một công cụ chính trị ngắn hạn, không hơn không kém.

Đồng NDT được gì khi gia nhập vào rổ SDR?

Mục đích gia nhập SDR của Trung Quốc cũng chủ yếu dựa trên yếu tố tâm lý hơn là kinh tế. Thậm chí nếu đồng NDT được gia nhập giỏ SDR ngay trong năm nay, có 2 lý do để tin rằng sẽ có rất ít lợi ích đến với nền kinh tế Trung Quốc:

Thứ nhất: Về số lượng, SDR hiện chiếm 2,5% dự trữ tiền tệ toàn cầu. Nếu IMF phân bổ cho đồng NDT một lượng 20% tương ứng trong rổ tiền của mình, thị phần của đồng NDT trong dự trự toàn cầu cũng chỉ có thể tăng thêm 0,5%, hầu như không đáng kể so sánh với 63% của USD và 22,2% Euro.

Thứ 2: SDR, như bản chất và mục đích hoạt động của nó, chỉ có duy nhất chức năng tăng tính thanh khoản trong giao dịch quốc tế. Năm 1968, nhằm khuyến khích người Pháp ủng hộ sự thành lập của SDR, Mỹ đồng ý hạn chế vai trò và chức năng của đồng tiền này. Đáng chú ý nhất, Mỹ đồng ý giới hạn cổ phần của SDR đối với những thành viên nắm giữ như các chính phủ thành viên IMF hay các ngân hàng trung ương.

Do vậy, thêm đồng NDT vào giỏ SDR có thể giúp đồng tiền này tiếp cận nhiều hơn tới các nền kinh tế, tuy nhiên với số lượng rất nhỏ, sẽ rất khó để những nước này xem NDT như một công cụ dễ dàng trao đổi trong thanh toán toàn cầu.

Nghi Điền (Theo Foreign Affairs)

Phần II: Trung Quốc được gì khi gia nhập SDR?

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến