Dòng sự kiện:
Chất lượng không khí ngày 15/1: Hà Nội trở về ngưỡng trung bình
15/01/2020 09:24:55
Sáng 15/1, tại các điểm quan trắc, Hà Nội ở ngưỡng màu vàng xen kẽ với màu cam, một tín hiệu đáng mừng. Hà Nội thoát top 10 trong bảng xếp hạng những thành phố ô nhiễm không khí trên toàn cầu.

Ngày hôm qua, thủ đô Hà Nội chìm trong lớp sương mù dày đặc, tầm nhìn dưới 10 m khiến giao thông nhiều nơi hỗn loạn vào giờ cao điểm, chất lượng không khí ở mức nguy hại. Nhiều điểm quan trắc chỉ số AQI ở mức màu tím. Thế nhưng, hôm nay 15/1, không khí cải thiện rõ rệt.

Chất lượng không khí Hà Nội cải thiện hơn so với ngày hôm qua.

Lúc 8 giờ sáng ngày 15/1, theo ứng dụng Air Visual cho thấy, không khí đang ở ngưỡng màu vàng – mức trung bình. Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual), áp dụng cách tính AQI của Mỹ cho hay, giá trị AQI là 96, người dân tạm thời yên tâm ra ngoài đi mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Chất lượng không khí ở TP.HCM vẫn ở ngưỡng xấu.

Tại TP.HCM, chất lượng không khí được Air Visual cảnh báo xấu hơn Hà Nội, giá trị AQI là 156 – tương đương ngưỡng cảnh báo màu đỏ, xen lẫn màu cam. Dự báo, trong ngày hôm nay chất lượng không khí cải thiện - ở ngưỡng màu vàng. Người dân có thể tạm thời yên tâm.

Tại tọa đàm “Tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế và các chính sách giảm thiểu” sáng 14/11, PGS.TS Đinh Đức Trường, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã công bố công trình nghiên cứu về thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí tại Việt Nam năm 2018.

Theo ông Trường, kết quả nghiên cứu này trên cơ sở kết nối giữa mức ô nhiễm với mức độ phơi nhiễm với rủi ro bệnh tật hoặc tử vong. Thiệt hại do ô nhiễm không khí được tính trên cơ sở đo lường tổng thu nhập bị mất do chết trước tuổi kỳ vọng vì ô nhiễm không khí và đo lường mức độ chi trả của xã hội cho giảm rủi ro tử vong từ ô nhiễm không khí.

Căn cứ trên những số liệu và phương pháp, các nhà khoa học của ĐH Kinh tế quốc dân ước tính thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 là từ 10,82-13,63 tỷ USD (tương đương từ 240.000 tỷ đồng) trở lên, tương đương 4,45-5,64% GDP năm 2018.

Ô nhiễm không khí là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt trong thời gian gần đây. Năm 2019, xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng với tần suất ô nhiễm tăng đáng kể.

Ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội suốt từ cuối tháng 8 đến nay với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại - ngưỡng nguy hiểm nhất trong ô nhiễm với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.

Số liệu cập nhật lúc 8h, lấy số liệu từ ứng dụng Air Visual. Các chỉ số đo khác nhau có thể do địa điểm, công thức tính, máy đo.


Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến