Xu hướng tăng trong hai quý cuối năm 2022
Thực tế, chất lượng tín dụng trong quý III và IV/2022 cho thấy, kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng không khả quan, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên, dù tỷ lệ dự phòng giảm.
Chẳng hạn, tại Saigonbank, một điểm tối trong bức tranh kinh doanh năm qua của Ngân hàng là tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 chiếm gần 398 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 22% so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn có tốc độ tăng mạnh nhất. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,97% đầu năm lên 2,12%.
Trong năm 2022, Saigonbank trích hơn 250 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó, Ngân hàng thu được hơn 237 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 54% so với năm trước. So với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022 đã vượt 25% chỉ tiêu.
Với TPBank, chất lượng nợ vay đi lùi khi tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 của nhà băng này tăng 17% so với đầu năm, chiếm 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 và phải trích 100% dự phòng rủi ro). Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0.82% đầu năm lên 0,84%.
Năm qua, TPBank trích gần 1.844 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 37%, do đó Ngân hàng thu về hơn 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so năm trước. Nhưng nếu so với kế hoạch 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm, TPBank chỉ mới thực hiện được 95% mục tiêu.
Việc kiểm soát nợ xấu trong năm 2022 cũng là một thử thách lớn trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, tuy nhiên ABBank đã trích lập dự phòng cho các khoản vay. Tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của ngân hàng gần 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm qua. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88%.
Chi phí hoạt động năm qua của ABBank chỉ tăng 8%, lên gần 2.043 tỷ đồng. Trong năm qua, ABBank trích ra gần 777 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó Ngân hàng chỉ thu về hơn 1.702 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 13% so với năm trước. So với kế hoạch 3,079 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, ABBank chỉ thực hiện được 55% mục tiêu.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 của LienVietPostBank (LPB) tăng 20% so với đầu năm qua, chiếm 3.427 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả, đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46%. Nhưng dù trong năm LPB dành ra gần 3.174 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,4 lần so cùng kỳ năm trước, Ngân hàng vẫn thu được gần 5.690 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 56%. Như vậy, nếu so với kế hoạch 4.800 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, LPB đã vượt 19% mục tiêu.
Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 của VIB tăng 22% so với đầu năm, chiếm 5.687 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 23%, đạt gần 11.861 tỷ đồng. Trong năm qua, VIB dành ra gần 1.280 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, giảm 22%. Kết quả, VIB thu được hơn 10.581 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 32%. Như vậy, VIB đã hoàn thành kế hoạch 10.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022 đặt ra.
Ngoài ra, dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính nhưng hiện đã có một số ngân hàng thông báo kết quả kinh doanh năm 2022. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, Vietcombank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022. Trong đó, về chất lượng tín dụng, ngân hàng cho biết tổng số dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%. Với VietinBank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.
Còn tại BIDV, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12.65% so với đầu năm, cao hơn mức thực hiện năm 2021 (11,8%). Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN được ngân hàng kiểm soát ở mức 0,9%.
Hay trước đó, tại thời điểm kết thúc 9 tháng đầu năm, báo cáo tài chính các ngân hàng đã cho thấy nợ xấu hâu hểt ngân hàng đều có xu hướng tăng mạnh. Có những nhà băng tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng vượt ngưỡng 3%. Xét về mức độ tăng trưởng, MB, ACB và Vietbank là những ngân hàng có số dư nợ xấu tăng nhanh với mức tăng 30-45% so với cùng kỳ, với số dư nợ xấu lần lượt là 4.415 tỷ đồng, 4.056 tỷ đồng và 2.456 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Vietcombank, MB, BIDV, ACB, VietinBank, SHB, Techcombank, TPBank… là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, trong đó Vietcombank có tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên đến gần 500%.
Nhận định về nợ xấu ngân hàng năm 2022, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, hiện nay có xu hướng tăng lên, công tác kiểm soát nợ xấu sẽ gặp khó khăn bởi dịch bệnh kéo dài, tác động có độ trễ nên sẽ ảnh hưởng lớn hơn hoạt động ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
NHNN cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng. Thực tế, năm 2022, nợ xấu ngân hàng vẫn là thách thức khó khăn trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao.
Giới phân tích cho rằng, trong những tháng cuối năm 2022, nợ xấu ngành ngân hàng có thể tăng thêm và tiếp tục phân hóa tùy thuộc vào tính chất tệp khách hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát. Dự báo về nợ xấu nội bảng năm 2022, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia dự báo nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3 - 2,5%. Đồng thời, nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022, và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14), nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.
Chất lượng tài sản trong 2023 ra sao
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng do NHNN thực hiện , dự báo 6 tháng tới và năm 2023, các tổ chức tín dụng quan ngại mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các lĩnh vực ngoại trừ một số lĩnh vực cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng rủi ro giảm.
Hai lĩnh vực được dự báo vẫn tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023, 61,6%- 64,6% tổ chức tín dụng dự kiến giữ nguyên tiêu chuẩn tín dụng, chỉ có 19,2%-20,2% tổ chức tín dụng dự kiến “thắt chặt nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình, tuy nhiên mức độ thắt chặt đã giảm so với 6 tháng cuối năm 2022 và cả năm 2022, đồng thời có 16,2-17,2% tổ chức tín dụng dự kiến “nới lỏng”.
Dự kiến “thắt chặt” chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực “Cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản”, “Cho vay kinh doanh tài chính, ngân hàng và bảo hiểm”, khoản vay trung, dài hạn và khoản vay bằng ngoại tệ. Theo nhận định của các tổ chức tín dụng, nguyên nhân chủ yếu là do “Mức độ rủi ro của thị trường” tăng lên (“Rủi ro từ phía khách hàng”; “Rủi ro ngành nghề”) cùng với những thách thức về triển vọng kinh tế.
Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản được giới phân tích tài chính nhận định, không chỉ ảnh hưởng triển vọng tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.
VDSC cho rằng, năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu, nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ngân hàng trong những năm qua. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu và chi phí tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên mức độ thận trọng của ngân hàng trong việc trích lập dự phòng và khả năng hồi phục tài chính của của khách hàng.
Trong khi đó, VNDirect nhận định, bên cạnh căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, do USD và lãi suất tiền đồng tăng, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.
Tuy nhiên, với các ngân hàng đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và không liên quan nhiều đến trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
Vì thế, NHNN cho biết, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng...
Đáng chú ý, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, năm 2023, kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế trong nước thời gian tới đối mặt với thuận lợi và thách thức đan xen.
Một trong những thách thức lớn nhất là lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn trên giới như Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chứ không chỉ dừng lại ở đó, do đó, áp lực tăng lãi suất rất cao. Với ngành ngân hàng trong nước, các ngân hàng thương mại sẵn sàng tiếp tục hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất, chia sẻ với doanh nghiệp, với nền kinh tế trong năm 2023.
Dự báo nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Trong đó, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng.
Vì vậy, cá chuyên gia kinh tế - tài chính dự báo trong năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, mức nợ xấu gộp của hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.
Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, năm 2023 sẽ là năm chông gai đối với ngành ngân hàng. Bởi lẽ, khi nhìn ở góc độ trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu cho hoạt động kinh doanh của mình.
Điều này có thể sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của những công ty này với ngân hàng. Thêm vào đó, tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng SSI phân tích ở mức khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, thị trường bất động sản lại đang có xu hướng giảm giá và chưa thấy tín hiệu hồi phục.
SSI duy trì quan điểm rằng, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới. Trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ, trích lập dự phòng cho các khoản vay,trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.
Ngân hàng gia tăng bộ đệm dự phòng rủi ro
Theo WiGroup, tỷ lệ nợ xấu đã tăng quý thứ 4 liên tiếp và đạt mức 1,6% toàn hệ thống ngân hàng. Sự gia tăng tỷ lệ nợ xấu chủ yếu đến các khoản nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã tăng mạnh hơn 30.000 tỷ đồng (tăng 70%) so với đầu năm 2022.
WiGroup cho rằng, diễn biến này dường như đã nằm trong kịch bản của các ngân hàng nhờ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức rất cao trước đó (150% trong quý I/2022) giúp giảm đi áp lực trích lập dự phòng nếu nợ xấu tiếp tục gia tăng. Tính đến cuối quý III/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm xuống còn 141%.
Bức tranh nợ xấu năm 2022 của ngành ngân hàng chứng kiến sự gia tăng mạnh về số dư nợ xấu, trong đó có nợ nhóm 5. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi việc Thông tư 14 này hết hiệu lực.
Theo số liệu của Chứng khoán VNDirect, tỷ lệ nợ xấu trung bình của ngành tăng lên mức 1,44% vào cuối quý III/2022 từ 1,34% vào cuối quý II và 1,28% cuối năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) trung bình của ngành đã tăng lên mức 168,7% vào cuối quý III/2022, thấp hơn so với mức 172,6% vào cuối quý II nhưng vẫn cao hơn mức 159,6% vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, tỷ lệ nợ xấu chỉ nhích nhẹ sau khi nợ tái cơ cấu do Covid-19 bị chuyển nhóm nợ từ quý III/2022, sau khi thông tư 03/2021 cho phép giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, hầu hết ngân hàng đều đã trích lập đủ dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu và nợ kéo theo, các ngân hàng còn lại chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng đối với nợ cơ cấu trong những quý tới.
Theo kết quả kinh doanh năm 2022 mới công bố, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của Vietcombank đạt 465%, cao nhất toàn hệ thống ngân hàng. VietinBank cũng đã công bố tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong các năm gần đây. Các số liệu công bố trước đó của một số ngân hàng khác như BIDV, Techcombank, ACB, MB… cũng đều cho thấy tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%.
Trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành xuất nhập khẩu cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.
Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng triển tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu. Tổng số trái phiếu doanh nghiệp sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành là khoảng 945 nghìn tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng có bảo lãnh thanh toán cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Vì thế, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo.
Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với các khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, kéo nợ xấu tăng.
Do đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, đã trích lập đầy đủ cho nợ cơ cấu và ít phơi nhiễm với trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (VCB, BIDV, Vietinbank, Agribank), và một số ngân hàng tư nhân chính sách cho vay và trích lập dự phòng rủi ro thận trọng sẽ lđáp ứng tốt với các tiêu chí trên.
Tác giả: Vân Linh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy