Dòng sự kiện:
'Chảy máu' rừng thượng nguồn Tả Trạch: Trách nhiệm thuộc về ai?
08/03/2019 09:10:08
'Máu rừng' đã chảy, nhiều gốc cây cổ thụ của cánh rừng phòng hộ đã bị triệt hạ và câu chuyện trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng không thể không nói đến.

Như An ninh Tiền tệ đã phản ánh, nhiều gốc cây cổ thụ thuộc rừng phòng hộ Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) bị đốn hạ không thương tiếc. Và con số này có thể nhiều hơn nếu tiến sâu vào bên trong khu vực bị chặt phá.

Với những lối mòn, những gì mà lâm tặc để lại có thể thấy rằng, tình trạng phá rừng đã diễn ra có tổ chức và trong thời gian dài.

Hình ảnh một số gốc cây bị triệt hạ.

Trước những hình ảnh PV cung cấp, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hương Thủy cho biết, khu vực rừng bị chặt hạ thuộc tiểu khu 187, khoảnh 4 mà phía BQL từng tiến hành truy quét vào dịp cận Tết Nguyên đán 2019 và phát hiện 10 phách gỗ Huỳnh. Đồng thời sau đó đã bàn giao số gỗ này cho Đội kiểm lâm cơ động số 2- thuộc Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế.

Rõ ràng trong câu chuyện này, việc xử lý, ghi nhận, lập biên bản và thu giữ số gỗ đã cắt thành phách chỉ là động thái khi "sự đã rồi". Nghĩa làm khi "máu rừng" đã chảy, hàng chục gốc cây cổ thụ lâu năm cũng đã bị đốn hạ, điều này không khỏi khiến dư luận đặt ra dấu hỏi lớn về công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm sở tại: Có hay không sự buông lỏng? Trách nhiệm để xảy ra vụ chặt phá rừng này thuộc về ai? Cá nhân, tập thể nào bị xử lý?...

Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Đức Thuận, Hạt trưởng Kiểm lâm thị xã Hương Thủy chia sẻ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về BQLRPH Hương Thủy. Tiếp đến là lực lượng của đơn vị kiểm lâm liên quan trong công tác bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc BQLRPH Hương Thủy cũng thừa nhận,  trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng phá rừng là của đơn vị. Đồng thời chia sẻ, dù đã có rất nhiều nỗ lực cụ thể là đơn vị đã tổ chức 3 đợt liên tục với hàng trăm ngày công vào các khu vực khe Dâu - Đầy, tuyến Hữu Trạch, tuyến Tả Trạch; tuy nhiên tình trạng phá rừng đầu nguồn vẫn diễn ra.

"Rừng có nhiều ngóc ngách, nhiều ngõ, khe suối thì dày đặc. Vùng lòng hồ thời gian cận Tết nước dâng cao, đây cũng là một khó khăn trong quá trình quản lý khiến nhiều sơ suất xảy ra. Và với vai trò là chủ rừng, để xảy ra việc phá rừng, chúng tôi xin nhận trách nhiệm…", ông Việt nói.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trao đổi với ANTT, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, ngay sau khi báo phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có chỉ đạo làm rõ. Hiện, phía chi cục đã cử cán bộ lên hiện trường để ghi nhận và sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm.

 (Còn nữa)

>> Xem thêm

Xâm nhập 'điểm nóng' lâm tặc lộng hành nơi thượng nguồn Tả Trạch

'Chảy máu' rừng thượng nguồn Tả Trạch: Phút chạm mặt lâm tặc

'Chảy máu' rừng thượng nguồn Tả Trạch: Chủ rừng lên tiếng

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến