Dòng sự kiện:
Chi phí chuyến thăm của Tổng thống Obama sang Việt Nam hết bao nhiêu?
23/05/2016 10:41:52
ANTT.VN – Với hình ảnh và vị trị của một trong những yếu nhân quyền lực nhất thế giới, những chuyến công du quốc tế - một phần công việc của TT Obama - đòi hỏi những giai đoạn chuẩn bị phức tạp và quy mô nhất.

Tin liên quan

Đặc vụ Mỹ luôn theo sát Tổng thống Obama trong mỗi chuyến công du. Ảnh: AP

Vận chuyển

Vận chuyển người và phương tiện phục vụ tổng thống trong các chuyến công du là một quá trình tốn kém và phức tạp kéo dài hàng tuần trước chuyến thăm chính thức, yêu cầu hàng trăm nhân viên an ninh, hậu cần, chăm lo mọi mặt từ di chuyển, nghỉ dưỡng, y tế, thậm chí là thực đơn từng bữa cho tổng thống.

Trong đó, chuyên chở tổng thống ra nước ngoài yêu cầu những nỗ lực hậu cần to lớn để đảm bảo chuyến đi an toàn theo đúng kế hoạch, hoặc ít nhất càng suôn sẻ càng tốt.

Lẽ dĩ nhiên là công chúng, không chỉ ở nước Mỹ, luôn tò mò về chi phí các chuyến công du của tổng thống Mỹ. Tuy nhiên từ trước tới nay không có bất cứ chi tiết nào được công bố, mọi thông tin về các chuyến công du chính thức và phi chính thức của các đời tổng thống Mỹ đều được dấu kín vì lý do an ninh.

Chính phủ Mỹ chi trả tất cả chi phí trong các chuyến đi chính thức, bao gồm di chuyển, đi lại và phát sinh cho cả đoàn hậu cần. Trong khi Nhà Trắng phải trả lại cho Chính phủ Mỹ chi phí của những chuyến công du phi chính thức.

Những chuyến công du chính thức là những chuyến đi của tổng thống với vai trò tổng thống hoặc tổng tư lệnh quân đội, trong khi công du phi chính thức là những chuyến đi với chức năng chính trị.

Chi phí chuyên cơ

Trong các chuyến công du quốc tế, TT Obama đi trên chiếc “Air Force One” – biệt danh của 2 chiếc Boeing 747 được cải hoán, tăng tính an toàn cũng như bố trí thêm các hệ thống rada, phòng thủ tên lửa cùng nhiều thiết bị hiện đại khác.

Tháng 1/2015, không quân Mỹ thông báo họ có thể hợp tác với Boeing để thay thế 2 chiếc 747 trên bằng những phi cơ đời mới 747-8, với lý do những chiếc 747 hiện tại dần trở nên lỗi thời, kém an toàn và yêu cầu thời gian cũng như chi phý bảo dưỡng lớn. Việc thay thế phi đội “Air Force One” có thể tiêu tốn tới 1,7 tỉ USD trong 5 năm tới.

Một trong hai chiếc Boeing 747 với biệt danh "Air Force One". Ảnh: Reuters

Chi phí vận hành của Air Force One được tính bằng giờ. Năm 2012, Ủy ban Sưu khảo Quốc hội Mỹ (CRS) ước tính mỗi giờ bay của “Air Force One” tiêu tốn 179.750 USD, tăng mạnh lên 228.288 USD năm 2013 và giảm nhẹ xuống 206.337 USD năm 2015, chủ yếu bởi giá nhiên liệu ở mức thấp.

Bởi vậy, dễ hiểu khi mỗi chuyến đi của tổng thống Mỹ có thể tiêu tốn tới hàng triệu USD chi phí vận hành chỉ tính riêng cho Air Force One. Đơn cử như chuyến thăm Kenya năm ngoái của TT Obama tiêu tốn 6 triệu USD, tương đương gần 30 giờ bay của Air Force One.

Tuy nhiên chi phí vận tải chưa dừng lại ở chiếc Air Force One, bởi trước khi tổng thống Mỹ công du tới một quốc gia nào đó, sẽ có hàng chục chuyến bay chuyên chở người và phương tiện mang chức năng ‘tiền trạm’.

Trong chuyến thăm châu Phi kéo dài 11 ngày của cựu tổng thống Bill Clinton năm 1998, Văn phòng Chính phủ Mỹ (GAO) khi đó công bố các phi cơ chở hàng C-5 đã di chuyển 1.975,6 giờ bay, với chi phí trung bình 12.605 USD/ giờ, tiêu tốn 25 triệu USD để chuyên chở người và phương tiện cần thiết cho chuyến công du.

An ninh và bảo vệ

Với vị trí là một trong những yếu nhân được chú ý nhất trên thế giới, an toàn của tổng thống Mỹ là ưu tiên số 1 trong mỗi chuyến công du. Gần như mọi hành động, bước đi của tổng thống đều được lên kế hoạch trước hàng tháng nhằm đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.

Trong chuyến thăm tới châu Phi năm 2003 của Tổng thống Obama, tờ Washington Post cho hay ít nhất 200 đặc vụ Mỹ đã di chuyển tới châu lục này trước hàng tuần để đảm bảo an ninh một cách tối đa.

Tuy vậy rất khó để đưa ra con số nhân sự chính xác phục vụ cho mỗi chuyến công du của tổng thống Mỹ. Sau khi tờ The Guardian cho hay có 900 vệ sĩ đi theo bảo vệ ông Obama trong chuyến thăm Bỉ năm 2014, Nhà Trắng đã tuyên bố con số trên là không chính xác, tuy nhiên từ chối cung cấp số liệu cụ thể với lý do an ninh.

Lần duy nhất số liệu nhân sự được công bố là năm 1999, khi GAO cho biết chuyến thăm 11 ngày tới châu Phi của cựu tổng thống Clinton năm 1998 yêu cầu tới 1.302 người bảo vệ (chưa bao gồm hàng trăm đặc vụ). Cũng trong năm đó, ông Clinton thăm Trung Quốc với 510 vệ sĩ và yêu cầu 592 người trong chuyến thăm Chile.

Tổng thống Obama được chuyên chở trong những chiếc limousine có biệt danh "Quái thú". Ảnh: The Telegraph

Lo ngại về trình độ chăm sóc y tế kém phát triển ở châu Phi, hải quân nước này đã điều chuyển một chiếc tàu với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại cùng nhân viên trực 24/24 ở bờ biển phía Tây châu Phi, đề phòng mọi trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra với tổng thống.

Trước chuyến thăm của ông Clinton, các phi cơ đã vận chuyển tới châu Phi 56 phương tiện quân sự, bao gồm 15 chiếc limousine và 3 chiếc xe tải chuyên chở kính chống đạn, dành riêng cho khách sạn nơi đoàn Mỹ ở lại.

Chuyến công du năm 1998 ước tính mất khoảng 60-100 triệu USD chi phí dành riêng cho công tác bảo vệ.

Để phục vụ nơi ăn ở cho tổng thống, đặc vụ Mỹ thường đặt trước toàn bộ phòng khách sạn nhằm nắm quyền kiểm soát an ninh. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2010, Chính phủ Mỹ đã đặt hết 570 phòng ở khách sạn Taj Mahal, Mumbai. Để tham dự hội nghị G-20 ở Brisbane, Australia năm 2014, người Mỹ cũng đã phải bỏ ra 1,7 triệu USD chi trả toàn bộ 4.000 phòng ở ba khách sạn khác nhau cho phái đoàn Mỹ.

Khi di chuyển trên mặt đất, Tổng thống Mỹ được chuyên chở trong những chiếc limousine có biệt danh (The Beast – Quái thú), đóng chức năng không chỉ bảo vệ, mà còn như một trung tâm điều hành, truyền đạt chỉ thị của tổng thống tới mọi nơi trên thế giới. Mỗi chiếc limo đều được thiết kế đặc biệt với cửa sổ dày 12,7 cm chống đạn, lốp xe được gia cố bởi sợi Kevlar và hoàn toàn tách biệt với môi trường bên ngoài nhằm chống lại vũ khí sinh hóa học.

Có 12 chiếc trong biệt đội The Beast. Trong mỗi chuyến đi của tổng thống sẽ có một vài chiếc được sử dụng, không chỉ với mục đích bảo vệ mà còn sử dụng như những chim mồi đánh lạc hướng.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến