Dòng sự kiện:
Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt trong vài năm tới
12/09/2018 17:03:58
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Luật Giáo dục (sửa đổi) vào sáng nay (12/9).

Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề thí điểm trong giáo dục mà dư luận quan tâm gần đây.

Theo bà Nga, thí điểm thì có thành công, có thể thất bại nhưng vừa qua cử tri, dư luận có nhiều ý kiến về thí điểm, nhất là thí điểm tiếng Việt nên đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm về vấn đề này.

Giải đáp câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, thời gian gần đây dư luận rộ lên câu chuyện về tài liệu giảng dạy tiếng Việt và năm ngoái là nghiên cứu của ông Bùi Hiền. "Ngay lúc đó tôi đã khẳng định là Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt", ông Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng Chính phủ chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. (Ảnh: VTC News)

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề sách tiếng Việt theo Công nghệ Giáo dục thì Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có ý kiến chính thức, đây chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, chủ yếu là phát âm cho trẻ mới đi học chứ không phải đổi mới hay cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, ông Đam cũng khẳng định, dù rất nhiều chuyên gia, bạn bè quốc tế đánh giá cao giáo dục phổ thông của Việt Nam, song việc đổi mới là cần thiết và đã đổi mới thì phải có thử nghiệm, thực nghiệm. Tất nhiên, trong quá trình đổi mới thì cần phải làm rất thận trọng vấn đề thực nghiệm, thử nghiệm.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm: "Không thể có kiểu làm SGK tự chọn như vậy được. Giờ Quảng Nam đã có sách riêng thì không lẽ có hệ thống giáo dục riêng cho Quảng Nam? Như vậy không được".

Về sách Công nghệ Giáo dục và mô hình trường thực nghiệm của GS Hồ Ngọc Đại đang gây tranh cãi, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến: "Thực nghiệm thì mấy chục năm rồi, chắc từ hồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam học phổ thông, Công nghệ giáo dục này đã được thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy.

Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành giờ khổ sở quá vậy. Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên.

Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết. Tôi có người bạn là giáo viên, xem sách của cháu nội tôi học mà bảo rất khó, khác hẳn thời xưa mình học. Sao không để cho học sinh được học hành một cách dễ dàng. Chúng ta làm khổ con em quá".

Linh Nhi (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến