Dòng sự kiện:
Chính thức công bố Nghị quyết hướng dẫn áp pháp luật về tội rửa tiền
31/05/2019 20:00:37
Sáng ngày 31/5, Tòa án nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp tổ chức Lễ Công bố Nghị quyết của HĐTP Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới mẻ, nhưng trong thời địa toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tội rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý,…sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền "bẩn" thu được từ các hoạt động tội phạm.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung Ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Tuy nhiên thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, vẫn phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mới đây đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/7/2019.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Nghị quyết nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng chống rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập, đồng thời thực hiện nghiêm cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong công tác về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Vị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh quy định về tội phạm nguồn. Ông cho biết: "Xưa nay tất cả quy định chủ yếu tập trung cho tội phạm nguồn như tham nhũng, tham ô, buôn bán ma túy,... Nhưng cuộc đấu tranh như vậy không triệt để. Tất cả các tội phạm nói trên mục tiêu xét cho cùng vẫn là vì lợi nhuận. Và sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu, tài sản sau đó muốn dùng thì phải xóa đi dấu vết nên phát sinh ra thủ đoạn tẩy rửa". Nếu đã vi phạm tội phạm nguồn thì hành vi đó sẽ bị truy tố về tội đó, và sau đó lại bằng các thủ đoạn khác thực hiện rửa tiền thì sẽ phán quyết lần nữa về tội rửa tiền. 

Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Nghị quyết lần này có 3 điểm mới. Một là quy định về tội phạm nguồn. Hai là Bộ luật hình sự chỉ có giá trị trong lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên Nghị quyết này sẽ cho phép truy tố tội phạm nguồn ngoài Việt Nam, chẳng hạn như buôn ma túy ở nước ngoài nhưng rửa tiền ở Việt Nam. Ba là không loại trừ việc truy tố tội phạm nguồn ngoài tội rửa tiền, khi điều tra về tội phạm nguồn thì cũng điều tra tiếp về hành vi rửa tiền.

Phát biểu tại buổi lễ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Chính vì vậy, Nghị quyết ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn; đồng thời thực hiện cam kết của Việt Nam trong công tác chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. 

Cũng tại buổi công bố, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá đa phương của nhóm Châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền. Khuôn khổ pháp lý để điều tra, truy tố, xét xử về tội rửa tiền đóng vai trò quan trọng để chứng minh về tính hiệu quả cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam.

Nội dung Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền như sau:

Phạm vi điều chỉnh về một số thuật ngữ được sử dụng trong hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự (Điều 2) gồm: Tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản; Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó;Tiền, tài sản do phạm tội mà có là tiền, tài sản có được từ hành vi phạm tội.

Việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây: Bản án, quyết định của Tòa án; Tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng…); Tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự… ).

Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây: Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có); Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội có thể biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó).

Về Tội phạm nguồn Nghị quyết hướng dẫn:Tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền (ví dụ: Tội giết người; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội mua bán người; Tội mua bán người dưới 16 tuổi; Tội cướp tài sản; Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Tội trộm cắp tài sản; Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội trốn thuế; Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã; Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý; Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội khủng bố; Tội tài trợ khủng bố; Tội bắt cóc con tin; Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự; Tội đánh bạc; Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc; Tội tham ô tài sản; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…).

Hành vi phạm tội nguồn có thể do công dân Việt Nam, pháp nhân thương mại Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thực hiện trong hoặc ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Cũng được coi là tội phạm nguồn đối với hành vi phạm tội thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do công dân nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài thực hiện mà theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ sở tại quy định là tội phạm.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và không loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.

Đối với một số tình tiết định tội theo Điều 4: Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch tài chính, ngân hàng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có: Mở tài khoản và gửi tiền, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Góp vốn, huy động vốn vào doanh nghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức; Rút tiền với bất kỳ hình thức nào và bằng các công cụ khác nhau như: séc, hối phiếu, các phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật...

Hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ thực hiện một trong các hành vi sau đây nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có: Hoạt động (chơi, kinh doanh) casino; Tham gia (chơi, kinh doanh) trò chơi có thưởng; Các hành vi khác không liên quan đến tài chính, ngân hàng...

Về một số tình tiết định khung hình phạt Điều 5: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại điểm b khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn sử dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 324 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết nà; Phạm tội 02 lần trở lên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự...

Ví dụ: Ngày 15/5/2018, Nguyễn Văn A có hành vi rửa tiền. Ngày 15/2/2019, A lại có hành vi rửa tiền và bị bắt giữ. Cả hai lần phạm tội trên, Nguyễn Văn A đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm về tội rửa tiền theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 324 của Bộ luật Hình sự.

Hiệu lực thi hành Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23/5 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/7.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến