Tin liên quan
Năm học mới 2015-2016 đã bước vào tuần thứ 2. Đến thời điểm này nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh đầu năm và công bố các khoản thu. Năm nay, dù ngành giáo dục ráo riết vào cuộc nhưng nhiều gia đình phải lo tiền triệu cho con mình đóng đầu năm học. Với các gia đình trung lưu thì không có gì đáng bàn, nhưng với những gia đình làm nông nghiệp, công nhân thì đây thực sự là “gánh nặng” đè lên vai.
Tại trường THPT Đ.T (Tây Hồ, Hà Nội), tất cả các khoản thu đầu năm được thông báo đến cha mẹ học sinh là 2.250.000 đồng (Hai triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng).
Sau buổi họp phụ huynh hôm cuối tuần trước, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc vì mức thu của nhà trường. Chị L.V.H (phụ huynh học sinh) chia sẻ: “Tôi làm công nhân lương tháng được 4 triệu đồng. Cả gia đình tôi trông chờ vào suất lương ấy, còn bố các cháu thì đi làm những việc vặt vãnh, kiếm chác không đủ nuôi thân. Giờ 2 cháu học trong trường tôi phải đóng 4,5 triệu đồng thì lương của tôi không đủ. Trong trường cháu nhiều gia đình bố mẹ chỉ ở nhà làm nội trợ, bán hàng ngoài chợ thì lấy đâu ra tiền để trang trải khoản thu đầu năm học như thế này. Trong trường cháu đã có một số phụ huynh phản ứng không nộp tiền rồi”.
Cũng là một khoản thu tự nguyện, năm nay, nhiều trường trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đưa ra bản thỏa thuận với các phụ huynh học sinh về “sổ liên lạc điện tử”. Mức thu dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/tháng/cháu.
Các khoản thu ngoài qui định thường được đưa vào Biên bản thỏa thuận để cha mẹ học sinh ký. Nếu có khiếu kiện gì thì đây là sự thỏa thuận của hai bên.
Một phụ huynh có con đang học ở trường tiểu học của quận Hoàn Kiếm cho biết: “Khoản thu sổ liên lạc điện tử của trường con tôi là 40.000 đồng/tháng. Khoản thu này tôi thấy còn đắt hơn cả sử dụng dịch vụ điện thoại nhắn tin. Đáng ra, “điện tử” thì phải rẻ và thuận tiện hơn giấy thì mới nên dùng chứ thời buổi công nghệ thông tin rồi mà các dịch vụ sơ đẳng như thế này vẫn thu tiền cao ngất ngưởng như vậy”.
Đem thắc mắc này đi hỏi một chuyên gia công nghệ thông tin thì được tính toán sơ bộ thế này: Nếu thu 40.000 đồng/cháu thì một trường có 1.000 học sinh thì thu khoảng 40.000.000 đồng/tháng (bốn mươi triệu đồng). Loại tin nhắn này sử dụng phần mềm spam nên nhắn tin rất rẻ. Cứ cho giá 400 đồng/tin nhắn, 10-15 tin/tháng thì mỗi cháu hết khoảng 4.000-5.000 đồng/tháng là nhiều.
Năm nay, nhiều bậc phụ huynh phản ứng trước việc thu BHYT học sinh, sinh viên 15 tháng trong 1 lần đầu năm học. Sửa lại, Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn thu 6 tháng/lần và yêu cầu các trường không thu thêm bất kỳ khoản bảo hiểm tự nguyện nào khác. Bộ GD-ĐT yêu cầu là vậy nhưng thực tế hầu như trường nào cũng thu thêm BH thân thể học sinh với giá 60.000 đồng/cháu.
Anh N.M.H (ở Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã đóng đầy đủ các khoản đầu năm học cho con nhưng lại thấy có thêm khoản BH thân thể học sinh, định không đóng nhưng thấy nhiều người đóng cho con chẳng lẽ mình lại không đóng”.
Ngoài ra, một số phụ huynh có con học trái tuyến ở Hà Nội cho biết, ngoài các khoản đóng góp chung, có trường còn thu thêm khoản tiền “trái tuyến” lên tới tiền triệu.
Còn nữa, những khoản thu đầu năm do các trường đặt ra cuối cùng thực thi là các cô giáo chủ nhiệm. Nhiều cô giáo chia sẻ họ cũng rất “khó ăn khó nói” với phụ huynh học sinh nhưng vì nhà trường đã “giao” chỉ tiêu cho từng lớp không thực hiện không được. May mắn thì gặp được các phụ huynh dễ tính, xuề xòa, bảo sao nộp vậy chứ gặp phải Ban phụ huynh “rắn” thì đến khổ.
Thế nhưng, với ban phụ huynh, nhiều người than phiền: Nhiều vị trong Ban phụ huynh có điều kiện kinh tế, với họ những khoản thu đầu năm không thấm tháp gì nên họ cũng “hùa theo” nhà trường để thu, thậm chí có những người thấy mức thu còn thấp, tiền còn hơi lẻ thì huy động thu thêm cho chẵn. May mắn cho lớp nào trưởng ban phụ huynh mà chân chất, chia sẻ một chút thì các phụ huynh khác được nhờ, vì họ tính toán, cân đối các khoản thu với mặt bằng chung của lớp, trường trên tinh thần hợp lý, tiết kiệm.
Như đoán được nội dung chính của kỳ họp đầu năm, nhiều lớp rất vắng phụ huynh đến họp vì họ biết rằng, đến lớp con những ngày này chỉ để đóng tiền và làm quen với cô giáo chủ nhiệm.
Vì sao năm nào câu chuyện lạm thu đầu năm học cũng được nhắc đến nhưng năm nào cũng “nóng”? Một lý do ai cũng có thể dễ nhận thấy là dù có phát hiện ra việc lạm thu nhưng không ai bị xử lý nghiêm, không bị đuổi khỏi ngành, không bị truy cứu trách nhiệm... nên dù cơ quan quản lý có ra văn bản kiểu này kiểu khác để nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng vẫn không ai sợ.
Nên đọc
Theo VOV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy