Dòng sự kiện:
Chuyện “mắc ca”: “Bão” dư luận, “sếp” Liên Việt nói gì?
18/05/2015 07:12:54
ANTT.VN – “Có nhiều luồng thông tin khác nhau về cây mắc ca, tôi nghĩ đó là điều tốt vì rất nhiều người quan tâm và quan tâm cả những điều tốt và chưa tốt để làm tốt hơn”, Phó Chủ tịch Thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng chân thành chia sẻ với phóng viên về “dự án tỷ đô” đang gây “bão” trong dư luận.

Tin liên quan

TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Liên quan đến “dự án tỷ đô - trồng cây mắc ca”, sáng ngày 17/5/2015, bên lề Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank về câu chuyện rất “nóng” này.

Thưa ông, kế hoạch phát triển cây mắc ca đến giờ đã được tiến triển như thế nào?

Qua kết quả Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” cách đây 3 tháng thì đến nay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Him Lam và các nhà đầu tư đã làm được rất nhiều việc.

Đến nay đã hình thành được 2 nhà máy chế biến mắc ca, một của nhà đầu tư Úc ở Khe Sanh, Quảng Trị đã khởi công; một nhà máy nữa của Him Lam sẽ khởi công vào tháng 7 để trước hết đón đầu sản phẩm, bao tiêu mắc ca cho nông dân.

Thứ 2, Ngân hàng Liên Việt đã ban hành quy định quy trình cho vay cây mắc ca. Hôm nay, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội lần thứ 3, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Him Lam sẽ ký với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên bản ghi nhớ, trong đó riêng Lâm Đồng sẽ được đầu tư khoảng 10 ngàn tỷ đồng cho mắc ca và các đối tượng khác.

Chúng tôi cũng duy trì 20 ngàn tỷ trong 10 năm nữa cho Tây Nguyên để phục vụ các dự án phát triển cây mắc ca và tái canh cây cà phê, trồng xen giữa cà phê và mắc ca.

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ các thị trường Mỹ, Úc, Trung Quốc và đã hợp đồng với các chuyên gia Úc để làm việc cho Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chuyên về phát triển thị trường và kỹ thuật mắc ca.

Trong lần Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 3 này, công tác an sinh xã hội của NH Bưu điện Liên Việt có kế hoạch gì?

Ở Tây Nguyên cũng như các tỉnh khác trên cả nước, chúng tôi có kế hoạch xây dựng các trường học, Liên Việt cùng với Công ty CP Him Lam xác định đến năm 2016 cố gắng mỗi một tỉnh thành có một trường chuẩn quốc gia. Ở Tây Nguyên chúng tôi đã xây cơ bản xong và chuẩn bị xây thêm một số trường học, mẫu giáo và xây nhà tạm. Trước hết, năm nay chúng tôi đã đóng góp 5 tỷ để xây dựng nhà tạm cho các hộ dân nghèo và cùng hệ thống ngân hàng đóng góp số tiền 80 tỷ của cả hệ thống ngân hàng trong ngày hôm nay để trao cho  Ban chỉ đạo Tây Nguyên làm công tác an sinh xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng an sinh xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ, quyền lợi của chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp nói chung về công tác xã hội.

Hiện đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau về cây mắc ca, vậy kế hoạch phát triển cây mắc ca của LienVietPostBank và Him Lam có đi theo đúng kế hoạch?

Chúng tôi nghĩ là sẽ đi theo đúng kế hoạch, vì hiện nay, sau 3 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh quy hoạch cây mắc ca, xác định nguồn giống mắc ca. Có nhiều luồng thông tin khác nhau về cây mắc ca, tôi nghĩ đó là điều tốt vì rất nhiều người quan tâm và quan tâm cả những điều tốt và chưa tốt để làm tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Lo toan chứ đừng lo lắng thái quá!

Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Trần Việt Hùng

Cũng tại Hội nghị, chia sẻ với phóng viên về câu chuyện “mắc ca”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Trần Việt Hùng đánh giá đây là một hướng đúng nhưng phải phát triển trên cơ sở quy hoạch phù hợp và ở những nơi có điều kiện.

Theo ông Hùng, lúc này ngành Nông nghiệp cần phải đi vào 3 vấn đề: Một là, phải xác định giống cho cẩn thận; Thứ hai là phương pháp canh tác với cây mắc ca, bởi, đây cũng là một cây trồng khó tính chứ không phải dễ dàng; Thứ 3, phải chuẩn bị thị trường, gắn với nhà máy chế biến để khi người ta trồng thì có thu mua, chế biến và như vậy người nông dân mới yên tâm.

Và tôi hy vọng với chính sách Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đưa ra là sẽ bảo đảm vốn cho bà con canh tác cây mắc ca cùng với bảo hiểm nông nghiệp thì chắc chắn là người dân trồng mắc ca có thể yên tâm trên những vùng đã được quy hoạch phù hợp”, ông Hùng chia sẻ.

Liên quan đến việc đang có những ý kiến cho rằng không nên phát triển cây mắc ca một cách ồ ạt khi chưa có quy hoạch để tránh tình trạng hiện nay người dân một số nơi đã bắt tiến hành chặt bỏ cây cà phê, cao su, hồ tiêu để chuyển sang trồng mắc ca trong khi chưa định lượng được thị trường mắc ca sẽ như thế nào trong tương lai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Trần Việt Hùng cho rằng:

Chúng ta đã được nghe qua ý kiến này trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và kể cả người nông dân cũng phản ánh. Cho nên chúng tôi cũng đã trao đổi với Bộ NN&PTNT trước hết phải xác định được quy hoạch cho phù hợp. Thứ hai, phải xác định bộ giống có phù hợp với từng vùng đất chứ không phải bộ giống đó có thể áp dụng cho tất cả các vùng đất ở Tây Nguyên này. Thứ 3 là phải lo ngay việc chế biến để khi cây mắc ca có sản phẩm trên diện rộng. Đó là những việc mà tôi nghĩ chúng ta phải lo toan, chứ chúng ta không quá lo lắng việc trồng cây mắc ca một cách thái quá. Việc này, những cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT phải có trách nhiệm xác định giống và phải khuyến cáo người dân không được mua giống một cách ồ ạt để tránh làm lợi cho những người chỉ chuyên bán giống, có thể làm rối thị trường và khi những cây giống không tốt thì phần thua thiệt người dân sẽ phải chịu. Tổn thất đó là tổn thất của xã hội chứ không phải chỉ riêng người nông dân”.

N.G

 

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến