Dòng sự kiện:
Chuyện người tặng 600 đôi chân giả cho những mảnh đời khuyết tật
04/09/2017 07:15:16
Trở về sau chiến tranh với mức thương tật 2/4, vị bác sĩ giàu lòng nhân ái Lê Thành Đô giúp cho hơn 600 người khuyết tật có bộ phận cơ thể mới để cuộc sống thuận lợi hơn.

Ngoài trời, cơn mưa thu se se lạnh. Nhưng trong căn nhà của bác sĩ, thương binh Lê Thành Đô tại ngõ 242 Minh Khai (Hà Nội) lại vô cùng ấm áp những câu chuyện xúc động tình người. Ông Lê Thành Đô chia sẻ với PV An ninh tiền tệ cơ duyên đưa người thương binh này đến với công việc làm chân giả miễn phí cho người khuyết tật.

Người thương binh, bác sĩ Lê Thành Đô tại căn nhà riêng cũng là nơi làm việc giúp đỡ người khuyết tật

Lê Thành Đô lên đường nhập ngũ khi còn là một cậu bé học lớp 9, lớp 10. Năm 1966, ông bị thương nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu đến năm 1968 mới xuất ngũ và được điều về đoàn an dưỡng. Với trình độ học lớp 10, ông Đô được cấp trên bố trí làm giáo viên văn hóa và tiếp tục đi học lên đại hoc làm bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Là một người thương binh, ông hiểu được những khó khăn cực nhọc của cuộc sống khi trên cơ thể bị khuyết đi một bộ phận cơ thể. Năm 2004, khi vẫn còn công tác tại bệnh viện, bác sĩ Đô làm cộng tác viên cho tổ chức từ thiện giúp đỡ những người tàn tật. Đến năm 2006, khi đã về hưu, người thương binh loại 2 Lê Thành Đô quyết định mở xưởng sản xuất chân giả ngay tại ngôi nhà tập thể mà nhà nước phân cho mình. 

Căn nhà tập thể được nhà nước phân cho trở thành Trung tâm tư vấn và trợ giúp dụng cụ chỉnh hình cho người tàn tật

Bằng những đồng lương hưu, lương trợ cấp cho thương binh, bác sĩ Đô dành dụm mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị. Đến nay, xưởng sản xuất chân tay giả của bác như một bệnh viện thu nhỏ. Mỗi người khuyết tật tìm đến với bác Đô là mỗi một gia cảnh khó khăn riêng. Bắt đầu công việc làm từ thiện từ cuối năm 2004 đến nay đã 13 năm, giúp cho được hơn 600 người khuyết tật.

Bác Đô cho biết: “Với tâm lý là một người khuyết tật trở về sau chiến tranh, tôi hiểu và thông cảm cho sự mất mát của họ. Tôi muốn bù đắp cho họ phần nào những đau thương ấy, giúp họ có một cuộc sống thường ngày thuận lợi hơn”.

Bác sĩ Lê Thành Đô trao tặng hơn 600 chân giả cho người khuyết tật khắp mọi miền đất nước

Trong 13 năm qua, với hơn 600 người khuyết tật được bác Đô trao tặng cho một bộ phận cơ thể mới. Để làm được điều đó là sự hợp sức giúp đỡ của 3 người bạn đã về hưu và vài học trò của bác sĩ Đô cùng với các tổ chức nước ngoài.

Bác Đô kể: “Những ngày đầu thiếu thốn về kinh tế cả năm mới giúp cho được vài người. Sau đó tôi liên hệ với các tổ chức kêu gọi tài trợ như Unireach International của Mỹ, YoungSan-Choyoungki Foundation, Hanoi – Corea Church, Mr. Rodd Man…”.

Dù đến tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bác sĩ – thương binh Lê Thành Đô vẫn miệt mài với công việc từ thiện vì nó là đam mê, là tâm huyết.

Xưởng sản xuất chân giả đầy đủ các dụng cụ chỉnh hình như một bệnh viện thu nhỏ

Bác Đô hào hứng kể về những bệnh nhân đặc biệt: “Với tôi, mỗi một bệnh nhân là một sự đặc biệt rồi, họ ở các vùng miền khác nhau, thương tật khác nhau, mỗi người là một câu chuyện xúc động".

Rồi ông trầm lặng, kể chúng tôi nghe câu chuyện về người thương binh Lò Văn Cân. Ông Cân là Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Trong một trận chiến đấu tại Khe Sai, tỉnh Chăm-pa-sắc (năm 1970), ông bị thương nặng, mất tích và được đơn vị gửi giấy báo tử về gia đình. Do đó, 40 năm qua, gia đình ông thờ cúng “liệt sĩ” Lò Văn Cân.

Nhưng thực tế, ông Cân bị thương nặng, được bà con địa phương cứu chữa, nuôi dưỡng, cưới vợ, sinh con và sống suốt 40 năm trên đất bạn Lào. Do bị chấn thương sọ não, ông Cân không nhớ gì về quê quán, đơn vị. Sau khi tìm về với đất mẹ Việt Nam, ông Cân được Tổng biên tập báo Người cao tuổi đưa đến chỗ tôi khám và lắp chân giả. Được đứng trên đôi chân của mình ông ấy xúc động bật khóc ôm chầm lấy tôi”. 

Bác sĩ Lê Thành Đô kể về những bệnh nhân đặc biệt mà mình giúp đỡ họ

Ông Đô cũng chia sẻ thêm về câu chuyện làm chân cho một cháu gái bị teo chân bẩm sinh năm cháu 4 tuổi. Đến nay cháu lên 6 tuổi, cứ mỗi năm cháu đến thay chân một lần. Nhiều bệnh nhân sau khi được lắp chân giả đã tìm được một công việc phù hợp để mưa sinh, người làm thợ điện, người làm xe ôm, người làm nhân viên bán hàng…

Ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng người thương binh Lê Thành Đô vẫn miệt mài với công việc từ thiện

Nói về dự định sắp tới, ông Đô mong muốn sẽ mở rộng thêm xưởng sản xuất của mình để Trung tâm Tư vấn Trợ giúp Dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật ngày càng giúp được nhiều mảnh đời khó khăn hơn.

“Tôi sẽ làm công việc này đến khi nào mà sức khỏe mình không cho phép. Lúc đó, xưởng sản xuất này còn có những người học trò của tôi”, ông Đô cười.

Ấm trà nguội, câu chuyện kết thúc thì cơn mưa cũng ngớt. Ông tiễn chúng tôi ra đầu ngõ, vẫy chào lưu luyến.

Dương Nga - Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến