Dòng sự kiện:
Chuyện trần lãi suất và thông tư “cởi trói”
01/03/2017 13:03:08
Sau nhiều năm bị khống chế ở mức trần 15%/năm (tại Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005), sau này nâng lên 20%/năm (Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015), từ 15/3/2017 trần lãi suất cho vay đã được “cởi trói”, cho phép sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.

Tin liên quan

Tranh minh họa

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố Thông tư 39/2016 “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”. Theo đó, từ ngày 15/3/2017, các tổ chức tín dụng bắt đầu thực hiện quy chế cho vay mới, bao gồm nhiều quy định cụ thể về đối tượng được hoặc không được cho vay, nguyên tắc cho vay, điều kiện vay vốn, phí liên quan đến khoản vay, bảo đảm tiền vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, thoả thuận cho vay, cho vay tuần hoàn, cho vay quay vòng…

Trong đó, điểm được chú ý nhất trong thông tư này là NHNN đã chính thức quy định và hướng dẫn về lãi suất cho vay giữa tổ chức tín dụng đối với khách hàng, trong đó việc bỏ trần lãi suất được coi là động thái “cởi trói” cho lãi suất nương theo sự vận hành của cơ chế thị trường.

Cụ thể, Điều 13 Thông tư 39/2016 quy định về lãi suất cho vay như sau: “ 1.Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này; 2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.”

Như vậy là từ nay, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay và mức độ tín nhiệm của khách. Trần lãi suất tối đa chỉ được Thống đốc quy định trong từng thời kỳ với một số khoản vay nhằm đáp ứng nhu cầu vốn với chính sách của Chính phủ.

Trả lời báo chí nhân sự kiện này, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính ngân hàng nhận định: “Với thông tư mới của NHNN, lãi suất cho vay trên thị trường hầu như đã được nới lỏng hoàn toàn. Điều này giúp Việt Nam phù hợp hơn với yêu cầu của nền kinh tế thị trường. Lãi suất được đánh giá theo cung - cầu của thị trường, phản ánh sự vận hành của thị trường, được xem như “giá” của việc sử dụng đồng tiền”.

Trước đó, quy định về trần lãi suất dưới 20%/năm đã bộc lộ bất cập, không phản ánh được nhu cầu thực tế. Cụ thể là, trong khi lãi suất tiền gửi duy trì mức trần (với các kỳ hạn dưới 6 tháng) thì lãi suất cho vay vẫn được các ngân hàng “đi đêm” theo hình thức thỏa thuận với khách hàng.

Đến nỗi mà, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (VNBA)  từng ngán ngẩm thốt lên: “Quy định về trần lãi suất hiện tại như xúi người ta phạm luật. Bởi vì có những thời điểm, trần lãi suất tính trên mức lãi suất cơ bản còn thấp hơn lãi suất huy động mà nhiều nhà băng công bố”. Do đó, nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng bên ngoài đã mặc sức vi phạm luật, vì có phạm luật cũng chẳng có chế tài nào xử lý.

Việc bỏ trần lãi suất cho vay thời điểm này được đông đảo dư luận đồng thuận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, chính sách nào cũng sẽ có hai mặt song hành. Cụ thể, lãi suất không những điều chỉnh cân bằng cung - cầu mà còn là công cụ điều chỉnh hành vi của các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường. Nếu lãi suất thấp, người dân và doanh nghiệp có khuynh hướng vay nhiều, đầu tư kinh doanh nhiều và ngược lại. Vì thế, bên cạnh việc thả nổi lãi suất cho vay, vẫn cần phải có “biện pháp mềm” để duy trì lãi suất ở mức quân bình, tránh việc lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay còn thấp quá thì gia tăng lạm phát.

Minh Minh

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến