Dòng sự kiện:
Cô giáo bật khóc nhận món quà quý giá từ vị phụ huynh nghèo
20/11/2017 14:45:30
Một món quà giản dị đến từ một học sinh đặc biệt đã khiến ngày 20/11 năm ấy trở thành ngày đẹp nhất trong đời đối với cô giáo Phạm Sơn Hạ (Hải Phòng).

Với những người làm trong ngành giáo dục, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một vùng kí ức không thể quên. Và cũng như những người thầy, người cô khác, 20/11 của năm 1998 có lẽ là ngày lễ ý nghĩa nhất đối với cô giáo Phạm Sơn Hạ, giáo viên một trường Trung học cơ sở tại Hải Phòng .

Sau khi ra trường chị về dạy ở vùng ngoại thành, Tân Viên, An Lão (Hải Phòng). Đến ngày 20/11, cả lớp 9 rồng rắn đạp xe hơn 10 cây số đến thăm cô giáo. Đứa nào đứa nấy mướt mồ hôi mà nụ cười vẫn giòn tan. Khoảng sân nhỏ nhà chị chật kín xe, còn phải đem sang gửi nhờ hàng xóm.

Quà tặng thời đó giản dị lắm không nặng nề tính kinh tế như bây giờ. Những bó hoa các em gói ghém cẩn thận mang đi từ nhà mang đến nhà cô hoa cũng rũ ra rồi, thế nhưng lòng cả người tặng và người nhận đều tươi rói. Căn nhà nhỏ của chị rộn rã tiếng cười nói, trẻ con hàng xóm thấy đám học trò lố nhố cũng vui lây. Một năm chỉ có Tết và ngày 20/11 là căn nhà nhỏ của chị mới ngập tràn niềm vui như thế.

Cô giáo Phạm Sơn Hạ

Cô Hạ khoe với chúng tôi bức tranh cô giáo đứng trên bục giảng được gắn tỉ mỉ bằng những hạt cườm. Kể về câu chuyện gắn liền với nó, cô giáo Hạ chốc chốc phải ngưng lại đưa tay lau nước mắt.

Kết thúc buổi lễ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái, chị cùng các đồng nghiệp về phòng chờ giáo viên. Đang rôm rả trò chuyện thì thấy một người phụ nữ mặc chiếc áo tím hoa cà thập thò ngoài cửa. Chị bước ra nhìn từ đầu đến chân người phụ nữ nhưng không thể nào đoán biết được tuổi tác. Người phụ nữ ấy tóc búi cao sau đầu, đỉnh đầu loang lổ phần chân tóc bạc trắng, da xám xịt, khuôn mặt hằn rõ mồn một những nếp nhăn.

Chị cúi đầu chào và hỏi bác tìm ai. Người phụ nữ lập cập cởi chiếc nón mê ôm trước bụng rồi nói đang tìm gặp cô giáo Hạ dạy văn. Đôi mắt đùng đục của người phụ nữ như sáng bừng lên khi biết chị là Hạ. Bác ấy đưa đôi tay gân guốc run run siết chặt lấy bàn tay chị rồi nói rằng bác là phụ huynh của Huân, một học sinh trong lớp chị chủ nhiệm.

Lúc ấy, trong đầu chị phác thảo ra khuôn mặt của cậu học trò tên Huân. Huân gầy rẳng rớt mà cao như cây sậy. Mái tóc cắt kiểu đầu cua, đôi mắt thỉnh thoảng lại hấp háy. Đầu năm khi mới được nhà trường phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp Huân, chị chẳng có mấy ấn tượng về một cậu bé ngồi cuối lớp, đi đôi dép lê gãy mũi và mặc độc một chiếc áo trắng cháo lòng.

Nhưng đến khi nghe được câu chuyện gia đình Huân từ những người đồng nghiệp, chị thấy cảm phục tinh thần mạnh mẽ ẩn chứa trong hình hài gầy gò và yếu ớt ấy. Bố Huân mất sớm vì tai nạn giao thông, mẹ thì phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối khi Huân vừa vào lớp một.

Những ngày không đi học hay cuối tuần, ai mướn gì Huân làm nấy từ rẫy cỏ, cuốc đất đến khuôn vác, những ngày nước cạn cậu bé bì bõm dưới sông mò trai, bắt ốc đem ra chợ bán hay bới đống rác tập kết dưới chân đê nhặt mấy mảnh bao rách hay vài chiếc vỏ chai nhựa, thanh sắt han gỉ.

Cảm phục nghị lực của cậu bé, chị dành sự quan tâm nhiều hơn đến Huân. Giờ ra chơi chị thường xuống bàn Huân trò chuyện, hỏi han, động viên em. Cuối tháng nhận lương chị mua tặng cậu bé cuốn vở ô li, chiếc bút máy, lọ mực tím hoa sim và vài cuốn truyện tranh cũ. Có lần Huân nghỉ học liền một tuần vì mẹ trở bệnh, buổi tối chị tranh thủ đến nhà phụ đạo cho cậu bé để theo kịp các bạn trên lớp.

Người phụ nữ giở trong chiếc làn mây lấy ra bức tranh đính hạt cườm ấy đưa cho chị rồi bảo Huân dặn đi dặn lại bác ấy phải đến trường tặng tận tay chị nhân ngày 20/11. Hôm đó cậu bé phải đi xúc cát thuê.

Chị Hạ đọc thành tiếng cho chúng tôi nghe những dòng chữ nắn nót màu mực tím đằng sau bức tranh: “Con cảm ơn thầy về tất cả! Con sẽ vâng lời thầy không bỏ học, con sẽ cố gắng chăm ngoan để thầy và mẹ vui lòng”.

Chị Hạ tâm sự, với chị đó là món quà quý giá nhất và đó là ngày chị hạnh phúc nhất trong đời.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến