Có hay không một cuộc nội chiến OPEC?
20/10/2015 10:43:24
ANTT.VN – Trong bối cảnh dư cung đang liên tục ở mức cao, dường như đang diễn ra một cuộc chiến ngay trong nội bộ Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC..

Tin liên quan

Các nhà cung cấp dầu mỏ trong khối OPEC đang ganh đua nhau quyết liệt nhằm củng cố thị phần của mình trên thị trường. Cả Kuwait và Iraq đồng thời đã giảm sâu giá dầu thô chào mời cho các đối tác châu Á so với Ảrập Xêút, trong khi Qatar đang giảm giá lớn nhất trong 27 tháng qua cho các khách hàng thân thiết nhằm cạnh tranh với Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

OPEC hiện chiếm 40% nguồn cung dầu thô trên toàn cầu và luôn cố gắng sử dụng một chiến lược đoàn kết - đồng nhất, bơm dầu với năng suất cao nhất ra thị trường nhằm kéo giá xuống, triệt hạ các nhà cung cấp dầu thô khác, đặc biệt là ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Tuy nhiên trong bối cảnh nhu cầu châu Á được dự báo sẽ tăng ổn định trong thời gian tới và chiếm phần lớn tốc độ tăng trưởng nhu cầu toàn cầu, sự đoàn kết trong OPEC đang bị lung lay dữ dội.

“Đang có một cuộc chiến ngay trong nội bộ OPEC”, Virendra Chauhan, chuyên gia tư vấn tại Energy Aspect nói. “Đấy là trong bối cảnh tổ chức này còn đang đối đầu với các nhà sản xuất ngoài OPEC khác như Nga, Brazil hay Mỹ”.

Mức chênh lệch giá dầu giữa Kuwait và Ảrập Xêút ngày càng tăng.

Chiến trường chính không nơi nào khác chính là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chiếm 34% nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2015, theo Tổ chức Năng lượng quốc tế IEA. Cơ quan này dự báo Trung Quốc sẽ chiếm tới ¼ tốc độ tăng trưởng nhu cầu toàn cầu vào năm tới. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang nhập khẩu dầu thô ở mức kỉ lục để lấp đầy các kho dự trữ để tận dụng giá dầu thấp.

Giá dầu xuất khẩu giao tháng 10 của Kuwait hiện thấp hơn 65 cent so với dầu Ảrập Xêút, trong khi dầu giao tháng 11 thấp hơn 60 cent. Sự chênh lệch ở mức khoảng 40 cent kể từ đầu năm trước.

Iraq đang xuất khẩu dầu với giá trung bình thấp hơn Ảrập Xêút 3,70 USD/ thùng, mức lớn nhất kể thứ tháng 4. Con số này của Qatar là 1,2 USD, mức lớn nhất từ tháng 6 năm 2013, theo Bloomberg.

Giá dầu đã giảm liên tục và xuống mức thấp nhất trong sáu năm qua hồi tháng 8 khi mà OPEC kiên quyết giữ nguyên mức sản lượng nhằm đối phó với sự đi lên mạnh mẽ của công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Chiến lược này của OPEC đã bước đầu thành công khi giá dầu thấp đã bắt buộc các công ty dầu lửa ở Mỹ phải đóng cửa hơn một nửa số lượng giàn khoan, qua đó khiến sản lượng của Mỹ giảm 500 nghìn thùng/ ngày từ mức đỉnh 9,61 triệu thùng/ ngày hồi tháng 6.

So sánh sản lượng của các thành viên OPEC trong năm nay và năm 2014.

Dĩ nhiên là chiến lược này cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế thành viên OPEC, khi mà phần lớn trong số họ phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập từ xuất khẩu dầu mỏ. Ảrập Xêút đang phải chứng kiến mức thâm hụt ngân sách kỉ lục lên tới 20% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Thế giới IMF.

Trong khi OPEC dự đoán nhu cầu toàn thế giới sẽ hồi phục vào năm sau, các nhà quan sát cho rằng nguồn cung sẽ tăng lên ngay chính trong nội bộ tổ chức này. Iran đầu tháng này cho biết họ sẽ mở van với công suất lớn nhất ngay khi lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây được dỡ bỏ, dự kiến vào đầu năm sau, qua đó tăng sản lượng của khối thêm 800 nghìn thùng/ ngày.

Các quốc gia khác như Ảrập Xêút, Iraq và Nga cũng gần như sẽ đẩy mạnh mức sản lượng nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách.

“Cuộc cạnh tranh ngay trong nội bộ OPEC sẽ trở nên gay gắt hơn khi mà người Iran đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu vào những năm tới. Đối với quốc gia hồi giáo này, họ chắc chắn sẽ phải giảm giá rất mạnh để cạnh tranh và lấy lại thị phần từ những đối thủ khác”, Ehsan UI-Haq, chuyên gia tại KBC Advanced Technologies cho biết.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến