Dòng sự kiện:
Có nên so sánh con đường ‘lim vàng’ ở Huế với cây cầu Vàng Đà Nẵng?
23/08/2018 08:06:18
Khoan nói đến sự chênh lệch về kinh phí, ý tưởng thiết kế, với những gì đang diễn ra về chất lượng gỗ, liệu con đường “lim vàng” ở Huế có sánh bằng cây cầu Vàng Đà Nẵng?

Người viết gọi đường đi bộ lát gỗ lim sắp hoàn thành ở Huế là con đường "lim vàng", bởi ngoài kinh phí không nhỏ là 52 tỷ đồng để đầu tư, thì màu chủ đạo của con đường lát gỗ lim bên dòng Hương thơ mộng cũng là màu vàng nổi bật của lan can bằng đồng.

Con đường sắp hoàn thành với chiều dài 400 m, chiều rộng 4 m, tổng diện tích 2.443 m2, kết cấu bê tông cốt thép, riêng sàn lát bằng gỗ lim dày 5 cm có kinh phí là 5,7 tỉ đồng.

Lúc khởi động thi công, dự án này đã tốn nhiều giấy mực của báo chí trước việc nhiều nhà văn hóa và người dân ở Huế đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của ý tưởng lát sàn bằng gỗ lim do thời tiết nắng nóng, mưa nhiều ở Huế.

Những ngày gần đây, sự việc lại “nóng” trở lại khi việc gỗ lim lát đường xuất hiện nhiều vết nứt. Trong đó có những vết nứt chân chim và một số tấm xuất hiện các vết lớn, tạo thành khe hở chạy dọc theo thớ gỗ.

Sự việc khiến không ít người dân Huế cảm thấy lo lắng về sự bền bỉ của con đường trong tương lai.

Những vết nứt bắt đầu xuất hiện trên các thớ gỗ lim.

Được biết, tuyến đường đi bộ này là một trong các dự án thí điểm thuộc Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương do tổ chức hợp tác quốc tế KOICA Hàn Quốc tài trợ. Chính quyền TP Huế cho rằng, tuyến đường sẽ tạo một điểm nhấn cho bờ Nam sông Hương.

Giữa bao ý kiến trái chiều của dư luận về dự án con đường "lim vàng" này thì ở Đà Nẵng, người dân nơi đây vẫn chưa hết tự hào về cây cầu Vàng vừa mới đi vào hoạt động từ tháng 6/2018.

Cây cầu Vàng này cũng tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, kể cả báo chí nước ngoài nhưng đó chủ yếu là những lời khen, với nhan nhản bài viết về vẻ đẹp “nghẹt thở” của một cây cầu với thiết kế độc đáo.

Điểm nhấn của cây cầu là nâng đỡ bởi hai bàn tay khổng lồ trên núi Bà Nà. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh nước non Đà Nẵng kỳ vĩ, như chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Chi phí xây dựng cây cầu và các công trình xung quanh không hề nhỏ, lên tới 2 tỷ USD. Dù với kinh phí khủng là vậy nhưng hứa hẹn sẽ giúp chủ đầu tư thu hút được 1,5 triệu khách du lịch mỗi năm.

Minh chứng cho điều đó, từ ngày đưa vào hoạt động, trung bình mỗi ngày, cây cầu này đã đón hàng nghìn lượt du khách tìm về tham quan, trong đó đặc biệt ngay cả đội ngũ nhiếp ảnh gia cũng coi đây là phong cảnh tuyệt vời để tác nghiệp.

Trước bức tranh sáng ngời của cầu Vàng Đà Nẵng, không ít người dân xứ Huế đã so sánh và hi vọng về tương lai “thơ mộng” của con đường "lim vàng" hạng sang đang sắp hoàn thiện dọc bờ sông Hương.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra với con đường "lim vàng" khi gỗ xuất hiện nhiều vết nứt thì sự so sánh này có thể trở thành viễn cảnh.

Trả lời báo chí, ông Văn Viết Thành, Phó Giám đốc Ban quản lí dự án KOICA cho rằng, các dạng nứt, rạn là thường thấy ở gỗ. Các vết rạn dọc theo thân gỗ xuất hiện do thớ gỗ là những bó xoắn nằm dọc thân, nên khả năng chịu lực trên một mặt phẳng là không đồng đều. Trong trường hợp tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đã xuất hiện tình trạng co ngót, dẫn đến những vết rạn trên bề mặt.

Một nguyên do khác khiến gỗ lim rạn nứt là loại gỗ này yêu cầu phải sấy. Khi sấy, hai đầu thân gỗ tiếp xúc với nhiệt nhiều hơn các vị trí khác nên thường xuất hiện vết nứt. Khi lắp ráp tại cầu đi bộ, công nhân sẽ gọt bớt hai đầu thân gỗ để loại bỏ vết nứt.

Đại diện đơn vị thi công con đường là Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế cũng khẳng định, hiện tượng trên thuộc về tự nhiên của gỗ, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, chỉ làm giảm đi tính thẩm mỹ. Nhà thầu sẽ cho thay thế những thanh bị rạn nứt trước khi nghiệm thu. 

Bên cạnh đó, người đại diện của công ty này cũng thừa nhận: “Chúng tôi biết rằng vật liệu gỗ là bất tiện đối với khí hậu của Huế, nhưng đây là ý kiến bắt buộc, phải làm đường bằng gỗ từ nhà tài trợ KOICA của Hàn Quốc khi công trình này được họ tài trợ 100% kinh phí không hoàn lại”.

Thế nhưng, đối chiếu với tiêu chuẩn Quốc gia về Ván sàn gỗ - Yêu cầu kỹ thuật do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, thì ván sàn gỗ không cho phép xuất hiện vết rạn nứt chân chim ở mặt trên và nứt hở thành vết ở các mặt.

Khoan nói đến sự chênh lệch về kinh phí xây dựng, ý tưởng thiết kế, với chất lượng gỗ hiện tại của con đường, liệu người Huế có nên nghĩ đến việc công trình này sẽ sánh ngang với cây cầu Vàng ở Đà Nẵng?

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến