Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/2
24/02/2023 05:38:12
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị trung lập dành cho PNJ, với giá mục tiêu 92.200 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 1/2023 vững chắc. Cụ thể, doanh thu thuần tăng kỷ lục, đạt 4.129 tỷ (tăng 46,3% so với tháng trước và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận ròng tăng 13,2% so với cùng kỳ, lên mức 302 tỷ đồng (tăng 79,8% so với tháng trước).

Với kết quả này, PNJ đã hoàn thành lần lượt 12,2% và 15,4% dự báo tương ứng cho cả năm 2023 của chúng tôi.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng năm 2023 hiện tại là 1.962 tỷ đồng (tăng 8,6% so với năm ngoái) với doanh thu thuần dự báo đạt 33.917 tỷ đồng (tăng trưởng 0,1%).

BVSC duy trì giá mục tiêu là 92.200 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá hiện tại, PNJ đang giao dịch tại mức P/E 2023 là 13,9x, so với mức trung bình 5 năm là 18,0x. Upside so với giá mục tiêu khiêm tốn ở mức 11,1%, BVSC chuyển khuyến nghị xuống Neutral từ Outperform.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSH

CTCK Phú Hưng (PHS)

Kết thúc năm 2022, doanh thu của CTCP May Sông Hồng (MSH – sàn HOSE) tăng trưởng tốt, đạt 5.521 tỷ đồng (tăng 16,3% so với năm trước), hoàn thành 112,7% kế hoạch doanh thu.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế năm 2022 ghi nhận sự sụt giảm mạnh, đạt 338 tỷ đồng (giảm 23,7%), trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 giảm mạnh còn 54,9 tỷ đồng (giảm 50,7% so với quý trước), cho thấy MSH cũng bị ảnh hưởng theo tình trạng chung của ngành dệt may trong nửa cuối năm 2022.

Điểm nhấn đầu tư: Vào tháng 3/2022, MSH đã đưa nhà máy may Sông Hồng 10 vào hoạt động với tổng mức đầu tư là 600 tỷ đồng, công suất trên 40 chuyền may, quy mô khoảng 2,800 lao động và dự kiến sẽ góp phần tăng thêm 25% công suất cho công ty. Về dự án nhà máy Xuân Trường, MSH dự kiến nắm 51% vốn điều lệ và sẽ bắt đầu xây dựng vào đầu quý 1/2023, đưa vào hoạt động vào cuối năm 2023.

Nhà máy này dự kiến có công suất tương đương nhà máy Sông Hồng 10, do đó chúng tôi dự phóng nhà máy sẽ có khoảng 40 chuyền may, với quy mô khoảng 2.500 – 3.000 lao động. Nhà máy mới đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng năng suất cho các đơn hàng FOB, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh đó, không giống phần lớn các doanh nghiệp trong ngành, MSH là một trong số ít các doanh nghiệp dệt may chú trọng phát triển và gia tăng tỷ trọng nhóm sản phẩm theo phương thức FOB (Free On Board). So với đơn hàng CMT, FOB là phương thức có biên lợi nhuận cao hơn do doanh nghiệp được chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng đầu vào để làm ra sản phẩm. Do đó, MSH có biên lợi nhuận gộp ở đơn hàng FOB và chăn ga gối đệm cao hơn so với đơn hàng CMT, dao động khoảng 16 - 23%.

Ngành dệt may đang đối mặt với tình trạng nhu cầu suy yếu từ các thị trường xuất khẩu lớn do áp lực lạm phát tăng cao, chúng tôi ước tính doanh thu thuần của MSH năm 2023F đạt 4.812 tỷ đồng (giảm 12,8% so với năm trước); biên lợi nhuận gộp ước vẫn giữ ở mức 15% vào 2023F. Qua đó, lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 3,8% đạt 325 tỷ đồng dựa trên kì vọng chi phí nguyên vật liệu và chi phí logistic hạ nhiệt nhờ vào việc nới lỏng chính sách Zero-covid của Trung Quốc.

Bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý dành cho cổ phiếu MSH là 40.000 đồng/cổ phiếu. Do đó đưa ra khuyến nghị mua cho MSH.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) thêm 15,1% lên 34.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) dự báo lợi nhuận sau thuế gộp 2023-2027 tăng 28,5% và (2) giảm giả định đối với chi phí vốn chủ sở hữu của STB từ 16,2% xuống 15,6% do cập nhật tham số beta.

Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2023 thêm 28,6% lên 10,2 nghìn tỷ đồng (tăng 101,5% so với năm trước) do (1) thu nhập từ lãi (NII) tăng 13,4% sau khi điều chỉnh tăng giả định NIM thêm 58 điểm cơ bản, (2) tăng 4,4% thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm cả lãi từ giao dịch ngoại hối) và (3) chi phí hoạt động kinh doanh (OPEX) giảm 6,3%. Những yếu tố này được bù đắp một phần bởi chi phí dự phòng tăng 14,9%. Chúng tôi giả định STB sẽ không trích lập thêm chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2023.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến