Cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo
04/04/2016 10:02:11
ANTT.VN - Hiện Sumitomo Mitsui Banking Corporation (Nhật Bản) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn tại ngân hàng. Theo sau là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) nắm giữ 101 triệu cổ phiếu EIB, tưởng ứng với tỷ lệ 8,19% vốn điều lệ Eximbank.

Tin liên quan

Sáng ngày 04/04, mở đầu phiên giao dịch đầu tuần, Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã công bố quyết định đưa cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam vào diện cảnh báo từ ngày 08/04/2016.

HoSE cho biết, lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2014 của Eximbank đã bị điều chỉnh hồi tố từ 114,01 tỷ đồng xuống còn -834,56 tỷ đồng và Lợi nhuận chưa phân phối tại 31/12/2015 là -817,47 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2015.

Theo quy định tại Điểm c Khoản 1.1 Điều 15 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ- SGDHCM ngày 13/01/2014, cổ phiếu EIB thuộc diện bị đưa vào diện cảnh báo.

Lỗ lũy kế của Eximbank đến 31/12.2015 là 817,47 tỷ đồng

Hiện Sumitomo Mitsui Banking Corporation đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn tại ngân hàng. Theo sau là Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) nắm giữ 101 triệu cổ phiếu EIB, tưởng ứng với tỷ lệ 8,19% vốn điều lệ Eximbank.

Theo báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Eximbank bị điều chỉnh giảm hơn 28 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, báo lãi 60,8 tỷ đồng trước thuế và còn 40 tỷ đồng sau thuế.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 chiếm 1,86% tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh từ 1.343 tỷ đồng xuống còn 802 tỷ đồng. Chỉ số an toàn vốn CAR là 17,03%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 48,79% và tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi là 78,65%.

Về khoản lỗ lũy kế trên, trong báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh quý I/2016 mới công bố của minh, Eximbank giải thích vấn đề này đã được phát sinh trong những năm từ 2010 đến năm 2013 và đã được báo cáo trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường ngày 15/12/2015.

Nguyên nhân là từ việc bán tài sản cố định là bất động sản cho Công ty cổ phần Bất động sản E Xim (Eximland) và đã ghi nhận các khoản lợi nhuận vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2010 – 2013 chưa phù hợp quy định và đây là hoạt động đã qua.

Đến cuối quý I/2016, tổng tài sản đạt 123.263 tỷ đồng, huy động vốn đạt 101.165 tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm. Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 500 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Quốc - Chủ tịch HĐQT Eximbank chia sẻ: “Những chỉ số trong báo cáo tài chính cho thấy Eximbank đang có một sức khỏe ổn định. Chúng tôi đánh giá Eximbank không có những vấn đề về nội tại mà chỉ là có một thời gian đi chệch hướng. Do đó, định hướng trong nhiệm kỳ này là giải quyết những hậu quả của quá trình đi chệch hướng này và kéo Eximbank về quỹ đạo ngân hàng truyền thống, hàng đầu".

Sắp tới, ngày 29/04, Eximbank sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 tại TP Hồ Chí Minh, đây là kỳ đại hội đầu tiên kể từ khi HĐQT nhiệm kỳ mới bao gồm 9 thành viên được bầu vào tháng 12/2015 vừa qua, trong đó có thành viên đại diện cho cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

HĐQT mới đây cũng đã bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết – thành viên HĐQT, từng là giám đốc Vietcombank Biên Hòa làm Tổng giám đốc Eximbank.

Hoa Liên

 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến