Dòng sự kiện:
‘Cởi trói’ kinh doanh taxi: Nên hay không?
05/04/2017 07:57:09
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86 theo hướng “cởi trói” cho doanh nghiệp kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội, TPHCM theo hướng mở hơn. Tuy nhiên, một số nội dung tại dự thảo Nghị định này đang gặp phải những ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp.

Tin liên quan

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị định số 86 ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã nảy sinh một số bất cập, cần sửa đổi, bổ sung về cấp giấy phép kinh doanh, quản lý vận tải.

5 xe cũng được kinh doanh taxi?

Trong đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu ở tất cả các loại hình xe taxi, xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch.

Cụ thể, Nghị định 86 quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10; riêng đối với đô thị loại đặc biệt như Hà Nội và TPHCM phải có số xe tối thiểu là 50. Như vậy, nếu đề xuất của Bộ GTVT được các bộ, ngành thông qua và Chính phủ ban hành, thì các doanh nghiệp taxi nói chung, doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội và TPHCM nói riêng không phải chịu ràng buộc về số xe. Một doanh nghiệp có thể có 50 xe hay 10 xe…, nếu đáp ứng đủ các điều kiện là được hoạt động.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, Giám đốc hãng taxi Nguyên Minh bày tỏ đồng tình với động thái này của Bộ GTVT. Ông Minh cho rằng, việc quy định doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội phải có tối thiểu 50 xe là cứng nhắc, vô tình triệt tiêu những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, miễn là đáp ứng được các quy định của Nhà nước.

Đưa ra quan điểm ngược lại, ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong (Taxi Thành Công) lại cho rằng, số lượng xe taxi của một doanh nghiệp cũng phần nào phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư số lượng xe lớn thì cũng phải quan tâm cải thiện chất lượng để thu hút hành khách. Nếu bỏ giới hạn về số lượng xe tối thiểu thì doanh nghiệp chỉ có 5-10 xe cũng được hoạt động, dễ dẫn tới tình trạng chộp giật.

Thêm nữa, đại diện Taxi Thành Công cho biết, năm 2015, một số doanh nghiệp nhỏ không đủ 50 đầu xe taxi trên địa bàn Hà Nội đã phải sáp nhập để đáp ứng Nghị định 86, nay vừa yên ổn được một thời gian thì lại bỏ quy định này.

Có nên bỏ quy định về niên hạn?

Theo quy định tại Nghị định 86 hiện hành, trong điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thì xe chỉ có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại Hà Nội và TPHCM; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Tại dự thảo sửa đổi Nghị định này, Bộ GTVT đề xuất quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm, không phân biệt ở đô thị nào.

Việc “nới” quy định niên hạn sử dụng xe taxi được ông Nguyễn Hồng Minh ủng hộ bởi “kinh doanh taxi thì ở Hà Nội cũng như Bắc Ninh, chất lượng xe đã có cơ quan đăng kiểm, xe đủ tiêu chuẩn mới được lưu thông. Vì vậy không nên quy định Hà Nội và TPHCM thì 8 năm còn các đô thị khác là 12 năm, mà cần bình đẳng giữa các đô thị”.

Hơn nữa, ông Minh cho rằng, nếu giữ theo Nghị định 86, niên hạn taxi ở Hà Nội chỉ được 8 năm và các tỉnh khác là 12 năm thì dễ biến các tỉnh, thành phố khác thành “bãi rác xe” của Hà Nội. Vì không ít doanh nghiệp sau khi xe chạy hết 8 năm ở Hà Nội xong lại mở văn phòng, chi nhánh tại các tỉnh, thành phố để đưa số xe cũ về đó hoạt động.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quân lại phản đối việc này. Ông Quân cho rằng, taxi trên địa bàn Hà Nội hoạt động với tần suất nhiều hơn các đô thị khác (số km chạy nhiều hơn), nên có khi chỉ trong 8 năm kinh doanh thì số km chạy đã vượt quá taxi ở các đô thị khác kinh doanh 12 năm. Hơn nữa, Hà Nội là Thủ đô nên phải hướng tới chất lượng và yêu cầu khắt khe hơn về dịch vụ.

Giải thích về việc nới lỏng các quy định trên, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, hiện số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước có quy mô nhỏ vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Vì vậy, nếu thực hiện theo Nghị định 86 thì hầu hết các đơn vị này sẽ không đáp ứng được quy định về quy mô, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 22/3 vừa qua, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc tại Bộ GTVT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã yêu cầu, chậm nhất là ngày 20/4, Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 86, tập trung vào 4 vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh là gây khó khăn. Cụ thể là vấn đề quản lý được Uber và Grab; vấn đề quản lý được xe hợp đồng dưới 10 chỗ; quy định kinh doanh taxi phải có số lượng xe tối thiểu; và cách nào để những xe kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp có thể đăng ký cấp giấy phép nhanh hơn…

Theo Báo Chính phủ  

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến