Điều kiện lên sàn được kiểm soát chặt chẽ hơn
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán (bao gồm niêm yết và đăng ký giao dịch) còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau.Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Tại toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” sáng 19/7, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) cho biết, Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
"Do đó, để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết", ông Kỳ nhấn mạnh.
Theo Luật sư Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS, từ năm 2021 đến nay, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng biến động “dữ dội” với nhiều sự kiện lớn nảy sinh, gây tác động đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Luật sư Phan Quốc Huỳnh - Phó Chủ tịch thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS.
“Trong bối cảnh đó, thời gian qua, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Sự trầm lắng về số lượng "tân binh" trên sàn có nhiều nguyên nhân, đơn cử bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính”, ông Huỳnh phát biểu.
Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn hiện nay đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.
Còn ở phía Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan quản lý đều đang tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, hướng đến lợi ích chung là phát triển thị trường. Theo đó, chỉ số đã hồi phục đáng kể, thanh khoản trở lại những phiên 19.000 – 20.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại.
VN-Index từ vùng thấp dưới 900 điểm nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần. Nếu chính sách tiền tệ, tài khoá đi đúng hướng, thị trường có thể cho kết quả tốt đẹp hơn, lên mốc 1.300 – 1.400 điểm vào cuối năm như nhiều người kỳ vọng.
Doanh nghiệp cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng
Kể từ năm 2019, Luật Chứng khoán đã được sửa đổi và có hiệu lực từ năm 2021. Kể từ khi Luật chứng khoán sửa đổi, các tiêu chí liên quan tới việc niêm yết hay đăng kỳ giao dịch đã có những thay đổi.
Bà Hồ Thị Phương Tú - Giám đốc phòng quản lý niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) nhấn mạnh, trong tiêu chí để được niêm yết, điều kiện bắt buộc là các doanh nghiệp phải đi qua thị trường UPCoM, điều này tạo sự sàng lọc khắt khe hơn trước và tạo ra sự thay đổi đặc biệt cho thị trường chứng khoán.
Bởi vậy, các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thêm vào đó, điều kiện vốn điều lệ cũng được quan tâm đúng mức với quy định ít nhất 30 tỷ đồng vốn tự có.
Bà Hồ Thị Phương Tú - Giám đốc phòng quản lý niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo bà Tú, dù giá trị tương đối nhỏ, song cũng góp phần tạo dựng nên lượng hàng hóa có chất lượng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn. Cuối cùng là tiêu chí về năng lực của các Chủ tịch, lãnh đạo của doanh nghiệp khi niêm yết, họ không được vi phạm Luật Chứng khoán trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Đối với các hồ sơ nộp lên sàn UPCoM, phải xác định đây là nơi các doanh nghiệp mong muốn niêm yết phải thông qua. Cũng có thể vì lý do này mà hiện nay trên sàn UPCoM xuất hiện các công ty TNHH, thay vì Công ty cổ phần như thường lệ.
"Thậm chí, đa số các công ty TNHH đó thuộc diện công ty Nhà nước, đơn vị được cổ phần hóa, có vốn Nhà nước... Về bản chất, các doanh nghiệp đó chưa chuyển đổi hẳn sang công ty cổ phần, cho nên tên của họ vẫn là TNHH", bà Tú cho hay.
Theo thống kê, có tới 70% số lượng hồ sơ niêm yết bị trả lại, bà Tú cho rằng, nguyên nhân là do những doanh nghiệp này chưa để đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết, đơn cử như tình hình tài chính không đáp ứng.
Dưới góc độ kiểm toán, bà Hoàng Thúy Nga, Trường phòng kiểm toán 5 - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nhìn nhận, khi các doanh nghiệp đã tham gia vào thị tường niêm yết, các doanh nghiệp còn cần phải hiểu rõ về quy định pháp lý cũng như quy định về tài chính, nếu không cũng chưa đủ điều kiện được niêm yết.
Ông Bùi Đình Như - Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, muốn thúc đẩy được doanh nghiệp lên sàn, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán.
Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển, và nâng cao kiến thức cũng như nắm rõ các bước để đưa doanh nghiệp được lên sàn chứng khoán.
Tác giả: Phạm Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy