“Con lớn” Vinalines: Nghìn tỷ gửi tiết kiệm vẫn vay ODA
21/09/2015 10:05:30
ANTT.VN – Dư tới cả nghìn tỷ đồng đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng hưởng lãi nhưng CTCP Cảng Hải Phòng (sở hữu 94,68% của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines) vẫn rất tích cực đi vay.

Tin liên quan

Thừa nghìn tỷ đồng gửi nhà băng lấy lãi…

CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) vừa công bố Báo cáo tài chính bán niên 2015 sau soát xét.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, Cảng Hải Phòng đã đạt mức lợi nhuận 317 tỷ đồng trước thuế, hoàn thành 84% kế hoạch năm.

Tổng cộng tài sản tính đến cuối tháng 6/2015 đạt 5.671 tỷ đồng, tăng hơn 160 tỷ đồng so với đầu năm 2015, trong đó Tài sản ngắn hạn tăng gần 400 tỷ đồng lên cán mốc 1.691 tỷ đồng.

1.058 tỷ đồng đầu tư tài chính của Cảng Hải Phòng đều là tiền gửi có kỳ hạn

Chiếm tỷ trọng chủ yếu (63%) trong tài sản ngắn hạn hạn của Cảng Hải Phòng là khoản mục Đầu tư tư tài chính ngắn hạn với giá trị 1.058 tỷ đồng (riêng công ty mẹ là 602 tỷ đồng). Đáng nói, tất cả trong số đó đều là Tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn, tức là các khoản tiền gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn từ trên 03 tháng đến 01 năm, được PHP nắm giữ đến ngày đáo hạn với mục đích thu lãi hàng kỳ (theo thuyết minh Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tại chính BCTC của Cảng Hải Phòng).

Cũng cần làm rõ thêm rằng, các khoản tiền gửi này, tuy có kỳ hạn ngắn nhưng không có nghĩa là tạm thời. Bởi, kể cả người dân khi gửi tiền vào NH rất nhiều năm nhưng kỳ hạn thường được lựa chọn cũng chỉ là 6 tháng hay 1 năm (những kỳ hạn có mức lãi suất tốt nhất) và hết hạn lại làm thủ tục gửi tiếp.

Trước đó, ở thời điểm đầu năm, con số Tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn của Cảng Hải Phòng cũng rất lớn, lên tới 789 tỷ đồng, chiếm 61% tổng Tài sản ngắn hạn của công ty.

…Vẫn tích cực đi vay

Có tới cả nghìn tỷ đồng đem gửi tiết kiệm ngân hàng lấy lãi, thế nhưng, Cảng Hải Phòng cũng lại rất tích cực đi… vay ngân hàng (?).

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2015, công ty đang vay tổng cộng 996 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA và các NHTM.

Trong đó, vay ngắn hạn (nợ dài hạn đến hạn trả) là 48 tỷ đồng, bao gồm 14 tỷ đồng vay ODA giai đoạn II và 34 tỷ đồng vay Ngân hàng ACB; Vay dài hạn là 948 tỷ đồng, bao gồm 392 tỷ đồng vay ODA giai đoạn II, 338 tỷ đồng vay ODA cầu 4,5, bãi cont, 142 tỷ đồng vay Ngân hàng MB và 76 tỷ đồng vay ngân hàng ACB.

Phải chăng do ODA là những khoản vay ưu đãi nên có lãi suất cho vay thấp (thấp hơn cả lãi suất huy động ngân hàng) nên Cảng Hải Phòng "dành dụm" tiền tích lũy gửi ngân hàng kiếm lời, còn tiền đầu tư thì sẽ lại đi vay....

Nhưng đó là những khoản vay ODA, còn các khoản vay thương mại với ACB, MB thì sao, lãi suất cho vay của các ngân hàng này chắc chắn không thể thấp hơn lãi suất huy động (?).

Theo tìm hiểu, khoản vay của Cảng Hải Phòng với Ngân hàng MB là nhằm mục đích đầu tư mua sắm cần trục giàn dể bốc xếp vận chuyển container 12 RTG, theo Hợp đồng tín dụng số 105.14.263.1861211.TD ngày 26/11/2014 với hạn mức tín dụng 7.294.320 USD; thời hạn vay 120 tháng; lãi suất cố định 3,5% cho năm đầu tiên và điều chỉnh trong các năm tiếp theo.

Còn khoản vay ODA được căn cứ theo Hợp đồng tín dụng vốn ODA số 02/2004/TNDN ký ngày 21/12/2004 và Hợp đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ số 02-01/2010/HĐ-NHPT ký ngày 06/10/2010 với mục đích đầu tư cải tạo Cảng Hải Phòng giai đoạn II. Hạn mức vốn vay là 4.105.000.000 JPY, nợ gốc được trả đều trong 20 năm thành 20 bán niên. Lãi suất 1,5%/năm tính trên số dư nợ.

Trong khi, khoản vay ngân hàng ACB được căn cứ theo 2 hợp đồng tín dụng. HĐTD số HAP.DN.040250111/DH ngày 17/02/2011: mục đích mua sắm 02 cẩu trục giàn QC, thời hạn vay từ 16/3/2012 đến 10/11/2018, hạn mức vay 6.577.200 USD. HĐTD số HAP.DN.02131012/TH ngày  10/1/2013: Hạn mức vay 3.528.000USD; Mục đích vay là mua sắm 04 Cẩu trục RTG loại khung nâng di động bánh lốp; Thời hạn vay 54 tháng kể từ ngày giải ngân lần đầu.

Cảng Hải Phòng được gì, mất gì (?)

Trở lại với BCTC vừa được PHP công bố, tài liệu này cho thấy, trong 6 tháng đầu năm Cảng Hải Phòng đã thu được 20 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Giả sử toàn bộ số lãi thu về nêu trên đều đến từ  khoản tiền mà công ty đã đem đi gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thì với giá trị Tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn bình quân trong kỳ là 923,5 tỷ đồng, lãi suất tiền gửi trung bình mà Cảng Hải Phòng nhận được sẽ là 4,3%/năm.

Trong khi đó, tổng chi phí lãi tiền vay mà Cảng Hải Phòng đã phải chi trả lại lên tới 40 tỷ đồng. Với giá trị tiền vay bình quân trong kỳ của công ty là 1.013,5 tỷ đồng, tính ra PHP đã phải trả lãi suất trung bình lên tới lên tới 8%/năm cho các khoản đi vay.

Cảng Hải Phòng mới chỉ chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01/07/2014

Rõ ràng, nếu các khoản nợ của Cảng Hải Phòng được trang trải bằng chính nguồn tiền mà doanh nghiệp này đã “dàm dụm” đem gửi tiết kiệm tại các ngân hàng thì đơn vị này đã tiết kiệm được ít nhất 20 tỷ đồng tiền lãi.

Nhưng tại sao Cảng Hải Phòng lại không làm như thế (?).

Điều này có lẽ không đến nỗi quá khó hiểu khi mà xét về mặt nguyên lý, chi phí lãi vay cuối cùng cũng sẽ được tính vào giá thành sản phẩm và người phải chịu sẽ là khách hàng – những cá nhân, đơn vị sử dụng dịch vụ, sản phẩm mà Cảng Hải Phòng cung cấp.

Trong một thị trường cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ luôn phải tìm mọi cách để giảm thiểu chi phí, qua đó, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, với Cảng Hải Phòng thì có lẽ mọi sự lại là nhẽ khác…

Tổng giám đốc Vinalines: "Họ không có tới hơn nghìn tỷ”

Ông Lê Anh Sơn – Tổng giám đốc Vinalines (đơn vị sở hữu Cảng Hải Phòng) đã chia sẻ như vậy với phóng viên ANTT.VN khi được hỏi về khoản tiền gửi đã được đề cập trong bài viết.

Đồng thời, ông Sơn cũng cho hay “sẽ giao anh em tìm hiểu cụ thể”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Việt - Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng cho biết, nếu muốn cập nhật thông tin về những nội dung đã đề cập thì làm việc với Phó tổng giám đốc và kế toán trưởng của công ty. Cả Ủy ban Chứng khoán và các cổ đông đều rõ việc này”, ông Việt nói.

Ninh Giang

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến