Thanh khoản cạn kiệt
Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã HNA) chính thức niêm yết sàn HoSE ngày 12/1/2024, được giới thiệu là một doanh nghiệp hoạt động tương đối ổn định, khi sở hữu Nhà máy Thủy điện Hủa Na (công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy, với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu kwh) và Nhà máy Thủy điện Hủa Na (chính thức vận hành từ năm 2013 tới nay).
Việc niêm yết cổ phiếu HNA được kỳ vọng bổ sung hàng mới cho sàn HoSE, nhưng gần 8 tháng chính thức niêm yết, Thủy điện Hủa Na bộc lộ nhiều rào cản đối với nhà đầu tư.
Thứ nhất, cổ phiếu HNA gần như không có thanh khoản, khối lượng khớp lệnh trung bình 20 phiên giao dịch chỉ 6.700 cổ phiếu/phiên, thậm chí có một số phiên giao dịch, cổ phiếu không có khối lượng khớp lệnh. Với thanh khoản thấp như vậy, gần như nhà đầu tư cá nhân và quỹ, dù đánh giá doanh nghiệp tốt thế nào, cũng không thể mua được cổ phiếu, vì vậy, việc niêm yết đã không cải thiện được chất lượng hàng hóa trên sàn HoSE.
Thứ hai, dù hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu, đã vận hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na từ năm 2013, nhưng sau khi niêm yết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủy điện Hủa Na ghi nhận doanh thu giảm 28%, về 205,55 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế lỗ 13,87 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023 lãi 46,83 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 26,2%, về chỉ còn 1,2%.
Thực tế, nếu nhìn rộng ra từ năm 2017 tới năm 2023, Thủy điện Hủa Na chưa ghi nhận lỗ trong năm tài chính. Trong đó, lãi đỉnh điểm là hai năm trước thời điểm niêm yết sàn HoSE, năm 2022 lãi 583,47 tỷ đồng khi biên lợi nhuận gộp lên tới 60,23% và năm 2023 ghi nhận lãi 236,52 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp đạt tới 40,48%.
Thứ ba, mặc dù không có thanh khoản, nhưng từ khi niêm yết ngày 12/1/2024 tới ngày 29/8/2024, giá cổ phiếu HNA vẫn tăng thêm 40,5%, từ 18.500 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu. Việc giá cổ phiếu tăng nóng và neo ở vùng cao bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ dẫn tới định giá P/E ở mức 36,22 lần, cao hơn trung bình ngành là 25,06 lần và định giá P/B là 2,15 lần, cao hơn trung bình ngành 1,66 lần.
Lên kế hoạch M&A bằng nợ vay để mở rộng công suất
Trước thềm niêm yết, để tránh lo ngại về việc không mở rộng công suất, tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư, Ban lãnh đạo Thủy điện Hủa Na chia sẻ, sẽ nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án thủy điện nhỏ và vừa, các dự án năng lượng tái tạo. Hiện Công ty tập trung đánh giá Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn 20 MW tại Nghệ An và Dự án Thủy điện Sơn Trà 1D 12 MW ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, Công ty cũng nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời ở lòng hồ thủy điện Hủa Na.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, ông Hoàng Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Thủy điện Hủa Na chia sẻ kế hoạch dùng 696,6 tỷ đồng để đầu tư Dự án Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn (cơ cấu gồm 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay). Trong đó, ước tính, để thâu tóm Thủy điện Nậm Nơn, Thủy điện Hủa Na phải vay thêm 487,62 tỷ đồng và sử dụng 208,98 tỷ đồng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) này.
Được biết, Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn đã vận hành thương mại từ ngày 6/9/2014 tới nay, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp máy 20 MW. Trong đó, năm 2022 ghi nhận sản lượng 61,7 triệu kWh, doanh thu đạt 70,8 tỷ đồng; năm 2023 ghi nhận sản lượng 56,69 triệu kWh, doanh thu đạt 65,09 tỷ đồng.
Thực tế, tại thời điểm ngày 30/6/2024, Thủy điện Hủa Na còn sở hữu 392,37 tỷ đồng tiền mặt (vốn chủ sở hữu để đầu tư mua Dự án Thủy điện Nậm Nơn là 208,98 tỷ đồng), tổng nợ vay 138,92 tỷ đồng. Nếu thực hiện M&A Thủy điện Nậm Nơn thành công, Thủy điện Hủa Na sẽ sử dụng gần hết lượng tiền mặt, đồng thời tăng thêm 487,62 tỷ đồng nợ vay.
Điều này sẽ gây sức ép lãi vay lên bức tranh tài chính, khi Thủy điện Hủa Na đang phụ thuộc hoàn toàn vào hai dự án thủy điện, một dự án kinh doanh thua lỗ nửa đầu năm 2024 và một dự án mới M&A, cần thêm thời gian để tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán thiếu hàng mới Trong 8 tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,9 tỷ cổ phiếu, tương ứng rút khoảng 64.125,35 tỷ đồng (khoảng 2,57 tỷ USD). Đà bán ròng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Các chuyên gia nhận định, bên cạnh yếu tố lo ngại mất giá của các quốc gia cận biên, mới nổi, khi mặt bằng lãi suất tại các nước phát triển duy trì cao dẫn tới tâm lý e ngại đầu tư mới, việc thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu hàng mới nhiều năm trở lại đây cũng là một rào cản, khi không có nhiều doanh nghiệp niêm yết mới, doanh nghiệp niêm yết mới không tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và quỹ đầu tư. Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ Đầu tư ECI Capital nhận định: “Muốn thu hút nhà đầu tư ngoại bằng việc cho niêm yết doanh nghiệp mới, việc đầu tiên là cần cải thiện cả số lượng và chất lượng doanh nghiệp niêm yết mới. Nếu niêm yết các doanh nghiệp mà nhà đầu tư không tiếp cận được thì việc niêm yết mới không có nhiều ý nghĩa”. |
Tác giả: Duy Bắc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy