Dòng sự kiện:
Công ty Kinh Bắc tiếp tục vay lại tiền từ công ty con
11/11/2021 12:35:43
HĐQT Kinh Bắc thông qua nghị quyết vay thêm 200 tỷ đồng từ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang. Trước đó, Kinh Bắc đã vay 700 tỷ đồng từ công ty này.

Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (MCK: KBC) tiếp tục thông qua nghị quyết vay thêm 200 tỷ đồng từ công ty con CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang.

Theo đó, số tiền này được vay dưới dạng tín chấp, mục đích vay để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thời gian vay tối đa là 2 năm và lãi suất theo thỏa thuận tại từng hợp đồng, lãi thanh toán một lần khi tất toán.

Đáng chú ý, đây là lần thứ hai chỉ trong thời gian ngắn, Kinh Bắc quyết định vay lại tiền từ công ty con này. Cuối tháng 10 trước đó, Kinh Bắc đã vay 700 tỷ đồng từ Công ty Sài Gòn - Bắc Giang cũng với mục đích bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tính tới 30/9/2021, KBC sở hữu 88,06% vốn điều lệ tại công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Công ty Sài Gòn - Bắc Giang hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê đất đã được xây dựng xong cơ sở hạ tầng; cho thuê hoặc bán nhà, nhà xưởng; kinh doanh các dịch vụ khu công nghiệp, khu dân cư đô thị. Công ty này là đầu mối quản lý Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang) thuộc sở hữu của Kinh Bắc.

Trước 2 khoản vay tại Sài Gòn - Bắc Giang, hồi giữa tháng 5, Kinh Bắc cũng đã vay lại 1.080 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên, một công ty con khác.

Đây cũng là khoản vay tín chấp không có tài sản bảo đảm và thời hạn vay kéo dài tối đa 2 năm với cùng mục đích bổ sung vốn hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, khoản vay kể trên đúng bằng số vốn mà Kinh Bắc đã góp vào công ty này khi tiến hành thành lập từ giữa tháng 2 trước đó.

Ngoài việc vay tiền từ các công ty con, Kinh Bắc cũng liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn. Mới nhất, HĐQT công ty cũng đã phê duyệt phương án phát hành thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian phát hành dự kiến trong quý IV năm nay.

Trái phiếu có kỳ hạn huy động là 36 tháng, lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định ở mức 10,5%/năm. Từ kỳ tiếp theo, lãi suất trái phiếu sẽ bằng lãi tham chiếu (lãi tiền gửi tiết kiệm cá nhân 12 tháng tại VietinBank, Vietcombank, Agribank và BIDV) cộng biên độ 4%/năm.

Trước đó, tập đoàn này cũng đã phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá chào bán 34.096 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ tiền thu về được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh của tổng công ty và các công ty thành viên.

Về tình hình kinh doanh của Kinh Bắc, quý III/2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần gần 325 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Kinh Bắc ghi nhận lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 8 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt gần 3.077 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 733 tỷ đồng, tăng 7,6 lần cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, Kinh Bắc đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 6.600 tỷ đồng, gấp 2,7 lần doanh thu thực hiện năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng là 2.000 tỷ đồng, tăng 573%.

Như vậy, dù doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ thì doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp này mới hoàn thành được 47% kế hoạch doanh thu và 37% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm ngày 30/9, quy mô tổng tài sản của Kinh Bắc là 30.200 tỷ đồng, tăng 27% so với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận ở mức 11.515 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm, tuy nhiên vẫn chiếm 39% tổng tài sản.

Danh mục hàng tồn kho của Kinh Bắc tập trung chủ yếu tại dự án KCN và KĐT Tràng Cát (7.342 tỷ đồng); KCN Tân Phú Trung (1.223 tỷ đồng); KĐT Phúc Ninh (1.091 tỷ đồng); KĐT Tràng Duệ (623 tỷ đồng); KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (891 tỷ đồng).

Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của doanh nghiệp ở mức 967 tỷ đồng, tập trung tại 2 dự án là Viễn Đông Meridian Towers (739 tỷ đồng) và khu Ngoại giao đoàn Hà Nội (107 tỷ).

Tính đến ngày 30/9, nợ phải trả của Kinh Bắc lên đến 14.954 tỷ đồng, tăng gần 14% so với hồi đầu năm. Nếu so với tổng cộng nguồn vốn thì nợ phải trả chiếm đến gần 50%.

Trong cơ cấu nợ phải trả, chủ yếu là khoản vay ngắn hạn và dài hạn, trong đó nợ vay ngắn hạn 1.507 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm, nợ dài hạn 5.868 tỷ đồng, tăng 39% so với hồi đầu năm. Tổng cộng hai khoản vay này lên đến 7.375 tỷ đồng, tăng 28% so với hồi đầu năm, chiếm 49% tổng cộng số nợ.

Các khoản vay nợ tài chính của Kinh Bắc gồm 2.939 tỷ đồng là vay ngân hàng (gồm vay PVcombank, Vietinbank, TPbank, BIDV), 2.847 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu và còn lại là vay từ các đối tượng khác.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KBC của Kinh Bắc tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, giá cổ phiếu KBC ở mức 50.900 đồng/cổ phiếu.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến