Cư dân chung cư Westa bị móc túi: Có thể truy tố Coma 18 tội Kinh doanh trái phép
09/11/2015 09:10:18
ANTT.VN – Không được phép kinh doanh điện, song chủ đầu tư dự án Westa Hà Đông là công ty Coma 18 lại mua điện của Điện lực Hà Đông với giá 1.660 đồng rồi bán lại cho người dân với mức giá cao để hưởng chênh lệch.

Tin liên quan

Như báo ANTT.VN đã đưa, hơn 1 năm qua, người dân sống ở chung cư Westa (Mỗ Lao – Hà Đông) đã bị Ban quản lý tòa nhà cũng như chủ đầu tư là Công ty Coma 18 “móc túi” bằng việc kinh doanh giá điện.

Đại diện công ty Coma 18 là ông Lê Huy Lân đã ký hợp đồng mua điện của Điện lực Hà Đông với giá 1.660 đồng để rồi bán lại cho người dân ở chung cư Westa với giá 2.250 đồng. Thậm chí, có thời điểm bán với giá 3.000 đồng.

Được biết, trong danh mục các ngành nghề kinh doanh của công ty Coma 18 không có danh mục nào đăng ký kinh doanh điện. Như vậy, việc Coma 18 mua điện của Điện lực Hà Đông rồi bán lại cho người dân để hưởng chênh lệch có vi phạm pháp luật?

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV ANTT.VN đã có buổi trao đổi với Luật sư Tạ Quốc Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Sự thật.

Luật sư Tạ Quốc Cường, văn phòng luật sư Sự thật

Thưa Luật sư, như báo ANTT.VN đã phản ánh, chủ đầu tư coma18 đã ký hợp đồng mua điện với điện lực Hà Đông giá 1.660 đồng rồi bán lại cho người dân sống tại chung cư Westa, ban đầu giá 3.000 đồng, sau đó hạ xuống 2.250 đồng kiếm lời trong thời gian khoảng hơn 1 năm, điều này có vi phạm pháp luật? Nếu vi phạm luật thì thuộc điều khoản nào? Cơ quan thẩm quyền nào giải quyết vấn đề này?

Có thể khẳng định chủ đầu tư chung cư westa ở đây là Công ty Coma 18 đã có dấu hiệu của tội Kinh doanh trái phép được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009.

Điều 159 luật hình sự năm 1999 quy định về tội kinh doanh trái phép:

1.  Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:

a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;

b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

2.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;

c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

d) Thu lợi bất chính lớn.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Hành vi có dấu hiệu tội phạm cụ thể ở đây là Mặc dù không có giấy phép bán lẻ điện nhưng COMA 18 vẫn kinh doanh, thu lợi bất chính với số tiền lớn (chênh lệch giá với điện lực Hà Đông trong một thời gian dài, hơn 1 năm);

Không ký hợp đồng bán lẻ điện nhưng tự ý phát hành hóa đơn để thu tiền của khách hàng.

Để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, Khách hàng là các hộ dân cần tập hợp chứng cứ là các hóa đơn thu tiền điện (giá 3.000đ, giá 2.250đ) và làm đơn tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền yêu cầu khởi tố vụ án hình sự để xác minh điều tra. Quá trình điều tra sẽ xác định được cá nhân nào trong Coma 18 quyết định việc này để khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định.

Thủy Tiên (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến