Dòng sự kiện:
Cử nhân Ngữ văn đi trực… Radar biển: Giám đốc Trung tâm Hải Văn nói gì?
08/04/2015 11:20:55
ANTT.VN – Những chuyến khảo sát biển không có Khoa học trưởng, những trạm radar biển được “canh gác” bởi những cử nhân văn, Trung tâm Hải văn nói gì về vấn đề này?

Tin liên quan

Liên quan tới các vấn đề tại Trung tâm Hải văn, thứ Hai (6/4/2015), tại Trụ sở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phóng viên ANTT.VN đã có buổi làm việc trực tiếp với các ông Phạm Ngọc Long – Chánh Văn phòng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; ông Lê Xuân Tùng – Quyền Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ và ông Trần Hồng Lam – Giám đốc Trung tâm Hải văn.

“Khoa học trưởng” nói về báo cáo của những chuyến khảo sát “vắng” Khoa học trưởng

Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Lam, Giám đốc Trung tâm Hải Văn, đồng thời cũng là người đảm nhiệm chức danh Khoa học trưởng trong chuyến điều tra theo quy định của Bộ TNMT, khảo sát tại bằng tàu nghiên cứu biển (NCB) tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ năm 2013 thừa nhận đã không có mặt trên tàu NCB trong suốt hành trình.

Đồng thời, theo vị Giám đốc – Tiến sĩ Hải dương học này, khác với 2013, danh sách cán bộ tham gia chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB tại vùng biển khu vực Trung Bộ năm 2014 lại không có chức danh Khoa học trưởng. “Chuyến 2014 không có Khoa học trưởng, nhưng chúng tôi đã cử một Đoàn trưởng. Mà Đoàn trưởng mang tính chất rộng hơn Khoa học trưởng chỉ ở trên tàu NCB” – ông Lam nói.

Phóng viên ANTT.VN trong buổi làm việc với các lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Trung tâm Hải văn (Từ trái qua: Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Lê Xuân Tùng; Giám đốc Trung tâm Hải văn Trần Hồng Lam; Chánh Văn phòng Tổng cục Phạm Ngọc Long)

Liệu rằng với sự vắng mặt của Khoa học trưởng, những số liệu thu thập được trong các chuyến khảo sát có đủ cơ sở pháp lý, đủ sức tin cậy để cho các đơn vị liên quan sử dụng?

Trả lời câu hỏi này, ông Lam cho biết, trước khi được chuyển đổi nhiệm vụ, từ năm 1998 đến năm 2008, tàu NCB đã tham gia thực hiện được 22 chuyến khảo sát, trong đó có 14 chuyến khảo sát định kỳ ở 4 vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam, 1 chuyến khảo sát biển của Đề tài cấp Nhà nước KC 09-17 ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và 7 chuyến khảo sát trong chương trình hợp tác quốc tế ở vùng nước trồi Nam Trung Bộ, đạt trung bình 2,0 chuyến/năm.

Các số liệu mà chúng tôi thu thập được thì đã gửi về phân tích, phục vụ cho các công trình trọng điểm cấp nhà nước. Ví dụ như, lắp đặt hệ thống cáp quang của dự án Nam Côn Sơn. Cung cấp để cho thiết kế kỹ thuật, để xây dựng các giàn khoan trên biển, phục vụ cho công binh quy hoạch hệ thống thiết bị các giàn khoan trên biển...” ông Lam cho hay.

Đối với 2 chuyến khảo sát 2013 vào 2014, theo Giám đốc Trần Hồng Lam: “Cho đến chuyến khảo sát năm 2013, chúng tôi đã đưa vào nghiệm thu và bàn giao. Cho đến nay, chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào của các nhà quản lý hay nhà nghiên cứu khoa học sử dụng số liệu do tàu NCB Trung tâm hải văn cung cấp”.

Các thông tin chúng tôi đưa ra đều được đánh giá tốt và đưa vào sử dụng. bằng chứng là các thiết kế về điều chỉnh của sóng, điều chỉnh về dòng chảy và cung cấp các yếu tố khác. Từ năm 2013 đã nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng cho đến nay, hơn 1 năm nhưng vẫn chưa có thông báo nào về chất lượng. Năm 2014, chúng tôi đang chuẩn bị đưa vào nghiệm thu” – ông Lam cho biết thêm.

Được biết, các kết quả thu được từ chuyến điều tra, khảo sát bằng tàu NCB tại vùng biển phía Nam và Tây Nam Bộ của Trung tâm Hải văn trong năm 2014 đã được nghiệm thu ở cấp cở sở. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là TS. Nguyễn Ngọc Huấn, nguyên Cục trưởng Cục điều tra, kiểm soát tài nguyên môi trường biển.

Cử nhân Ngữ văn… đi trực radar biển, Trung tâm Hải văn nói gì?

Như ANTT.VN đã đề cập trong các kỳ trước, theo Quyết định số 07/QĐ-HV ngày 14 tháng 01 năm 2015 về việc điều động viên chức của Giám đốc Trung tâm Hải Văn thì không ít các nhân sự đang công tác tại Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường biển của đơn vị này lại có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ khá “lạ” như Cử nhân Chính trị Nguyễn Thị Trang, Cử nhân Ngữ văn Ngô Thị Thanh, Cử nhân địa lý Nguyễn Thị Cúc hay Cao đẳng quản trị kinh doanh Trần Thị Hạnh.

Cử nhân Ngữ văn, Cao đẳng quản trị kinh doanh đi trực.. Radar biển

Theo điều tra của ANTT.VN tất cả các nhân sự kể trên đều đang làm việc tại 3 trạm Radar biển mới được đầu tư: Hòn Dấu (Trần Thị Hạnh); Nghi Xuân (Nguyễn Thị Cúc); Đồng Hới (Nguyễn Thị Thanh, Ngô Thị Trang).

Riêng nhân sự tại Trạm radar biển Hòn Dấu là Châu Thị Hải Yến và Phùng Thị Thanh Hương đều có trình độ Trung cấp khí tượng.

Tại buổi làm việc chiều thứ Hai (6/4/2015) với lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Trung tâm Hải văn, phóng viên ANTT.VN cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Theo ông Lam, trong quy chế tuyển dụng trạm Radar biển sau khi xây dựng có ba trạm ở Đồng Hới, Nghi Xuân, Hòn Dấu và trạm thu ở Hà Nội. Trong cơ cấu tuyển dụng, mỗi trạm sử dụng 1 người làm công tác hành chính trên 3 trạm. Kế hoạch của trung tâm Hải văn là đề xuất nên Tổng cục. Và năm 2011, Tổng cục phê chuẩn kế hoạch này. Tổng cục thành lập hội đồng để tuyển dụng và có thi tuyển, có đăng báo công khai. Sau khi trúng tuyển, Tổng cục quyết định và đưa về Trung tâm Hải văn và đưa vào sử dụng.

Mặc dù cửa đóng then cài, không một bóng người, nhưng Giám đốc Trung tâm Hải Văn khẳng định trạm ra đa Hòn Dấu (Hải Phòng) luôn có cán bộ túc trực. Ảnh: Quỳnh Hương

Tôi còn nhớ, hồi đó tuyển 15 hay 16 người thì chỉ tuyển được có 11 người trúng tuyển” – ông Lam nhớ lại, “Còn cao đẳng, cử nhân thì vừa có thể làm hành chính vừa có thể làm chuyên môn địa lý. Cử nhân chính trị hay cử nhân văn thì đều là những người được Tổng cục tuyển dụng đạt lực học khá và giỏi trong trường đại học thì hoàn toàn có thể làm hành chính”.

Ông Lam cho biết, ở các trạm radar thì có 3 người làm công tác chuyên môn khí tượng, hải văn, thủy văn hoặc môi trường. “Ở mỗi trạm ra đa đều có 4 người, ban đầu chúng tôi xin 5 nhưng Bộ chỉ cho 4 người thôi vì vấn đề kinh phí. Trong cơ cấu tuyển dụng đó, 1 người làm công tác hành chính, 3 người làm công tác chuyên môn”.

Theo ông Lam các cử nhân ngữ văn, chính trị, địa lý hay cao đẳng quản trị kinh doanh… đều làm công việc hành chính nhưng đều có được trạm trưởng phân công trực ca.

Tôi nghĩ họ hoàn toàn có năng lực làm được việc đó”, giám đốc Trần Hồng Lam kết luận.

Theo tài liệu danh sách viên chức luân chuyển, điều động, kèm theo Quyết định số 07/QĐ-HV ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Trung tâm Hải văn mà phóng viên có được, tổng số viên chức của Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường biển (radar) là 11 người.

Những lời giải thích trên liệu có thỏa đáng?!

ANTT.VN sẽ tiếp tục thông tin…

Quỳnh Hương – Thủy Tiên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến