Trao đổi trên VnExpress, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, cơ quan quản lý sẽ lấy ý kiến về dự thảo nghị định mới vào ngày 22/6 tại Huế. "Khi theo dõi việc tổ chức thi hoa hậu trên thế giới và ở Việt Nam, trước những phản hồi về việc Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi áo tắm, Cục đưa ra nội dung này để trao đổi, lấy ý kiến từ các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc Hoa hậu Mỹ bỏ phần thi này cho thấy họ đang tập trung đánh giá trí tuệ thí sinh, đây là điều tích cực", ông nói.
Phần thi áo tắm đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016. Ảnh: Gia Tiến
Theo đại diện Cục, hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào hạn chế phần thi áo tắm. Tất cả phụ thuộc vào ban tổ chức cũng như tiêu chí, thể lệ từng cuộc thi. Tuy vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các cuộc thi sắc đẹp đều xác định ưu tiên vẻ đẹp trí tuệ, văn hóa và nhân cách, sau đó mới đến hình thể.
Cơ quan quản lý dự kiến trình dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn lên Chính phủ vào tháng 11.
Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ về quan điểm về việc Việt Nam có nên học hỏi Mỹ trong việc loại bỏ phần thi áo tắm, trong vai trò một nhà xã hội học hoạt động tích cực trong lĩnh vực bảo vệ quyền phụ nữ, TS Khuất Thu Hồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đánh giá quyết định bỏ phần thi áo tắm trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ từ năm 2019 là một quyết định đột phá, tạo sự thay đổi bản chất cho cuộc thi hoa hậu.
Bà hi vọng các cuộc thi sắc đẹp của Việt Nam và các cuộc thi nhan sắc thế giới cũng sẽ bỏ phần thi áo tắm, tập trung tìm kiếm các vẻ đẹp khác của người phụ nữ như tài năng, tâm hồn, hơn là cơ thể của họ.
Khẳng định không đánh giá thấp các hoa hậu được lựa chọn từ màn trình diễn áo tắm, nhưng TS Khuất Thu Hồng cho biết bà không thích thú gì với phần thi này. Thậm chí, theo bà, ở chừng mực nào đó, phần thi áo tắm "hạ thấp phụ nữ".
Trong khi đó, về câu hỏi liệu Việt Nam có nên học hỏi, bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi nhan sắc không, bà Thúy Nga (tổng giám đốc Công ty Elite Việt Nam) cho hay: "Cá nhân tôi cho là không. Bởi chúng ta phải nhìn nhận mình đang ở đâu. Các cuộc thi nhan sắc của chúng ta mới chỉ dừng lại ở mức phong trào, tổ chức còn nghiệp dư".
Trước đó, vào ngày 5/6, bà Gretchen Carlson, Chủ tịch mới của Tổ chức Hoa hậu Mỹ và cũng là Hoa hậu Mỹ 1989 thông báo qua chương trình Good Morning America của đài ABC: "Chúng tôi không còn đánh giá các thí sinh dựa trên ngoại hình, thể chất của họ. Đây là thay đổi lớn. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không còn phần thi áo tắm".
Bà Carlson cũng cho biết, cuộc thi Hoa hậu Mỹ sẽ trở thành một "cuộc ganh đua" chứ không phải "nơi trình diễn sắc đẹp". Cuộc thi sẽ thể hiện vai trò của nó với thế hệ trẻ của nước Mỹ thông qua hoạt động cấp học bổng hay tôn vinh các thí sinh tài năng.
Thay đổi này sẽ được áp dụng ngay trong cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm nay, dự kiến được tổ chức vào 9/9 năm nay.
Ly Na (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy