Đề nghị tính đủ chi phí
Đại diện cho 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tham dự cuộc họp, bà Trần Thị Tuyết Mai - Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà – cho biết, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Bà Mai đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.
“2 Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước và 20% còn lại là nhập khẩu. Do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I, chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít; quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?” - bà Mai nêu rõ.
Bà Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Cuộc họp giữa Bộ Công Thương và 31 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sáng 12/10 (ảnh: Bộ Công Thương).
Ông Phạm Văn Thoại - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro - chia sẻ, lãi của công ty trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi. Song vì trách nhiệm nên doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán.
Ông Thoại đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Sài Gòn Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.
Là 1 trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL - chia sẻ, sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra. Năm ngoái, Xuyên Việt OiL là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài.
Cơ quan quản lý phải bám sát thị trường
Cho rằng Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí để sát tình hình thị trường, ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng - kiến nghị, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu, ít nhất phải tính theo CPI.
“Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn” - ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh đề nghị.
Tình trạng thiếu nguồn đã gây rối loạn thị trường xăng dầu trong hơn 1 tháng qua.
Đại diện Petrolimex, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng giám đốc - cho hay, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, các Bộ cần tăng cường quản lý hệ thống, quản trị ứng dụng công nghệ thông tin để nắm được vùng thị trường hàng hóa, có căn cứ điều hành. Đồng thời, cần có định hướng truyền thông tốt để tránh việc nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến thị trường.
Trước những khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra một số chính sách nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,… vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. Theo ông Hải, hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có việc phải tính đúng, tính đủ chi phí thực tế của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước cũng như nước ngoài, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Tác giả: Phạm Tuyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy