Lợi ích sau gần 2 tháng thực thi hiệp định
Tại hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) – Những điều doanh nghiệp cần biết” sáng 24/9, Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù là một hiệp định không mới và là hiệp định thương mại tự do thứ 13 có hiệu lực ở Việt Nam nhưng EVFTA lại là hiệp định đặc biệt. Đặc biệt bởi có những đối tác trong EVFTA có nguồn công nghệ hàng đầu thế giới và có cơ cấu kinh tế không cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
Thêm nữa, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sức mua lớn thứ 2 trên thế giới đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư lớn nhất thế giới. Do đó, có thể khẳng định Hiệp định EVFTA thực sự là hiệp định được kỳ vọng, được mong đợi nhất của Việt Nam ở thời điểm này.
Ngày 1/8/2020, EVFTA chính thức có hiệu lực. Tới nay, sau gần 2 tháng triển khai, hiệp định này đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tích cực trong thương mại và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt trong một số lĩnh vực như: giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, túi xách, rau quả và mây tre đan...
Lô gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU theo hiệp định EVFTA
“EU là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hiệp định thương mại với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). Vì thế, EVFTA là cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam”, ông Lộc nói.
Tuy nhiên, ông Lộc nhận thấy, phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ toàn bộ những cam kết về thuế quan, mở cửa thị trường đối với hàng hóa, quy tắc xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phi thuế quan... Do đó, với mong muốn giúp doanh nghiệp giảm thiểu những khó khăn trong hành trình tìm hiểu những cam kết có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, VCCI đã biên soạn cẩm nang tóm lược Hiệp định EVFTA - ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về các cam kết cốt lõi của EVFTA cho doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI
Vị Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào sự thành công của EVFTA. Khi chơi với “người khổng lồ” này, đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nâng cấp bản thân. Thước đo của việc thực hiện EVFTA là số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai bên làm ăn, buôn bán được với nhau. Đi nhanh thì đi một mình, đi xa thì phải cùng nhau, vì vậy, với những lợi ích to lớn mà EVFTA mang lại, các cơ quan ban ngành có liên quan và doanh nghiệp hãy cùng nắm tay nhau để đi vững trên chuyến cao tốc này”.
Doanh nghiệp còn nhiều bỡ ngỡ
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI cho biết, bản thân bà đã dành nhiều năm qua để nghiên cứu về hiệp định EVFTA. Khi hiệp định này được thực thi, bà rất vui mừng. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, thì đa số doanh nghiệp vẫn còn chưa hiểu biết đầy đủ, rõ ràng và tường tận về hiệp định EVFTA.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI
Để có thể hiện thực hóa những cơ hội lớn mà EVFTA hứa hẹn mang lại, theo bà Trang, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu để nắm bắt đầy đủ, chính xác các cam kết của hiệp định EVFTA, nhất là những nội dung liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có thể có hành động chuẩn bị, tận dụng các cam kết một cách phù hợp.
"Đối với các hiệp định thương mại tự do thì những ưu đãi thuế quan bao giờ cũng đi kèm quy tắc xuất xứ. Ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt, sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn và ở nấc cao hơn trong các chuỗi giá trị. Chính phủ hiện nay đã nhận diện được những yêu cầu này, và đang xây dựng những chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển", bà Trang cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng - mỗi doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm cái họ đang làm, nên các chính sách hướng dẫn thực thi EVFTA cũng cần đánh trúng trọng tâm mong muốn của doanh nghiệp.
Bên lề hội thảo, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ và Đầu tư Tiến Đạt cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ vào EU, công ty ông rất quan tâm đến khai thác EVFTA.
"Chúng tôi đã tìm hiểu và nhận thấy, đồ gỗ vào thị trường EU phải tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao như chứng nhận xuất xứ, vệ sinh an toàn, nguồn gốc nguyên liệu hợp pháp… Muốn vào được thị trường EU hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA, doanh nghiệp đồ gỗ phải tiếp cận được các nội dung cam kết liên quan đến mình. Tôi cho rằng, là doanh nghiệp thì phải thẳng thắn với đối tác, cho họ biết những gì mình đang gặp khó khăn, để cùng nhau xây dựng một lộ trình cụ thể”, ông Tuyên bày tỏ.
Ông Tuyên cho biết: Bản thân người mua hàng, họ sẽ đưa ra những tiêu chí nhất định về sản phẩm. Từ đó, doanh nghiệp có thể biết được có thể chịu được áp lực bao nhiêu phần trăm trong số đấy.
“Hiệp định EVFTA được triển khai mới được 2 tháng nên chưa thể đánh giá ai lợi ai thiệt, ai cản trở ai. Chính doanh nghiệp phải vào cuộc thực tế thì mới có thể tự rút ra được kinh nghiệm”, ông Tuyên nhìn nhận.
Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng cho hay: Điều chúng tôi quan tâm hơn cả là doanh nghiệp cần phải làm gì để hưởng lợi từ EVFTA. Thương mại dịch vụ trong EVFTA có quy định rất chặt chẽ và rõ ràng và đóng vai trò quan trọng. Cốt lõi của EVFTA mà chúng tôi nhận thấy đó là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của các ngành nghề là khác nhau, vì vậy, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu thật kỹ khi bước vào “sân chơi” này.
Số liệu từ bộ Công Thương cho thấy, ngay trong tháng đầu thực hiện hiệp định EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng bắt đầu khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 đã tăng 10% về kim ngạch so với tháng trước. Giá các sản phẩm gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020; 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9/2020.
Tác giả: Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy