Dán tem bia khó đạt hiệu quả
24/07/2015 16:50:14
ANTT.VN – Đề xuất dán tem lên sản phẩm bia của Bộ Công Thương nhằm chống hàng giả, hàng lậu đang gây nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp sản xuất.

Tin liên quan

Theo Dự thảo, “dán tem bia” nhằm mục đích “phục vụ công tác quản lí Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu, nộp thuế và truy tìm nguồn gốc sản phẩm”. Song, việc dán tem lên sản phẩm bia liệu có đạt được hiệu quả như mong muốn  trong khi các doanh nghiệp tỏ ra vô cùng lo lắng vì cho rằng sẽ  có rất nhiều khó khăn, lãng phí và bất cập?

Doanh nghiệp lo lắng

PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết: “Dự thảo dán tem bia là một trong số những giải pháp quản lí ngành nhưng cần phải cân nhắc kĩ. Hiện nay, cả nước có tất cả 115 cơ sở sản xuất, với lượng bia hơn 3 tỷ lít/năm, khoảng 10 tỷ sản phẩm/năm. Nếu dán tem, chi phí sẽ lên tới hơn 2000 tỷ đồng/năm (dự tính giá mỗi con tem là 200 đồng). Kèm theo đó là thiết bị, hệ thống sản xuất, máy móc tối tân, nguồn nhân lực quản lí,… Tất cả sẽ nâng giá thành sản xuất lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đến nguồn thu của Nhà nước”.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam cho rằng Dự thảo dán tem bia cần phải được cân nhắc kĩ ( ảnh: Bảo Minh)

Đại diện cho Công ty TNHH 1 TV TM Sabeco, ông Lê Hồng Xanh – Tổng giám đốc tính toán: “Với mục đích quản lí, tại 23 nhà máy của SABECO sẽ phải đầu tư khoảng 700 tỷ đồng kèm theo gần 1500 tỷ đồng mỗi năm cho việc sản xuất tem. Như vậy là vô cùng tốn kém, dẫn đến giảm doanh thu, lợi nhuận, và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…”.

Một doanh nghiệp lớn như Heineken, với sản lượng bia đạt 600 triệu lít cũng ước tính rằng khi áp dụng dãn nhãn tem, tổng chi phí tăng thêm cho doanh nghiệp sẽ lên tới 4.142 tỷ đồng (chi phí đầu tư cơ bản để bù đắp công suất bị thiếu hụt, tem giấy, tem in phun bằng mực đặc biệt và tin nhắn SMS) dẫn tới giảm các khoản đóng góp cho ngân sách tới 820,4 tỷ đồng/năm. Heineken ước tính tổng chi phí toàn ngành bia phải ghánh chịu sẽ lên tới 15.954 tỷ đồng và số thuế thất thu của Chính phủ trong 10 năm áp dụng tem nhãn sẽ lên tới 23.345 tỷ đồng.

Thêm vào đó: “Thị trường bia Việt Nam hiện nay chủ yếu được cung cấp bởi các hãng sản xuất lớn như Sabeco, Habeco, Heineken, Carsberg,… chiếm tới 90%-95%” - theo số liệu từ Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp – Bộ Công Thương. Tiến sĩ Dương Đình Giám – Viện trưởng của cơ quan này cho hay: “Hiện nay, các thị trường đều được quản lí chặt chẽ, không có hiện tượng gian lận thuế. Đa số các doanh nghiệp sản xuất bia đã và đang sử dụng các hệ thống tiêu chuẩn ISO, HACCP. Các nhà máy bia công suất lớn đều có phòng thí nghiệm để kiểm tra chất lượng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm và lưu mẫu. Như vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần của các doanh nghiệp cũng khá dễ dàng”.

Theo Trưởng phòng Kĩ thuật của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco): “Các kho/chi nhánh xuất bán đều phải theo nguyên tắc, trên hóa đơn xuất hàng có ghi mã hiệu kiểm soát sản phẩm theo thông tin in trên nhãn (ngày, giờ, phút, mã hiệu công ty sản xuất)”.

Dán tem không hiệu quả

Hơn thế nữa, cần phải rút kinh nghiệm từ việc dán tem trên các sản phẩm như rượu, thuốc lá… Thực tế, việc dán tem rượu đang được thực hiện không có tác dụng, ngược lại, làm tăng chi phí cho sản xuất. Năm 2014, Công ty Cổ phần Cồn rượu Hà Nội với sản lượng chỉ hơn 5 triệu lít/năm, chi phí dán tem lên tới 1,46 tỷ đồng, làm tăng khoảng 4,06% giá vốn sản phẩm sản xuất trong năm.

Cùng với đó, trên thế giới hiện nay cũng chỉ có một số ít các nước có thực hiện việc dán tem trên sản phẩm bia như: Thổ Nhĩ Kỳ, Albani,… Tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ năm 2007, chính phủ áp dụng việc dán tem thuế cho mọi đồ uống có cồn. Các loại tem được sử dụng bao gồm: tem in phun áp dụng với các nhà sản xuất có dây chuyền lớn, tem dán áp dụng cho các nhà sản xuất nhỏ. Các nhà sản xuất bia đã phải tiêu tốn khoảng 2 triệu USD/năm cho tem thuế. Việc dán tem được thực thi hoàn toàn độc lập nhưng không có hệ thống lưu dấu, theo dõi và kiểm tra.

Trước thực trạng trên, Ban soạn thảo Nghị định về việc dán tem cần có những tính toán kĩ lưỡng, xem xét tác động nhiều mặt để phương án áp dụng được hiệu quả, giảm thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng.

Tem có thể làm giả

Đề án dán tem cho bia cũng cần phải lưu ý tới hiện tượng tem giả trong điều kiện thị trường phức tạp như hiện nay, mắt thường khó có thể phân biệt được.

Ông Phan Hoàng Kiếm – Chi Cục trưởng Chi cục Quản lí thị trường TP. HCM cho biết:“Hầu như mặt hàng tiêu dùng nào cũng bị làm tem giả. Thường thì một đơn vị làm hàng giả sẽ giả mạo luôn cả tem chống giả. Đơn vị hàng thật có tem chống giả, hàng giả cũng có tem chống giả dán vào. Như vậy người tiêu dùng biết đâu là hàng thật, hàng giả?”.

Hoàng Hà

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến