Đang có hay không một cuộc chiến tranh tiền tệ?
13/09/2015 15:16:28
Việc Trung Quốc liên tiếp phá giá đồng nhân dân tệ khiến nhiều nước đồng loạt phải phá giá nội tệ của mình so với USD, liệu đây đã gọi là chiến tranh tiền tệ hay chưa?

Tin liên quan

Ngày 11/8, Trung Quốc bất ngờ tiến hành giảm giá đồng nhân dân tệ với mức độ mạnh nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây - giảm 1,9% đối với tỷ giá tham chiếu hàng ngày, xuống còn 6,2298 nhân dân tệ đổi 1 USD. Động thái này của Bắc Kinh đã chấm dứt một đợt neo nhân dân tệ vào USD không chính thức được áp dụng kể từ tháng 3 tới nay.

Kể từ đó, động thái phá giá đồng tiền của Trung Quốc được xem là nguyên nhân dẫn tới sự chao đảo của thị trường tài chính toàn cầu trong vòng 1 tháng qua, cũng như một loạt động thái phá giá đồng nội tệ của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Liệu đây đã được coi là một cuộc chiến tranh tiền tệ hay chưa?

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, khái niệm “Chiến tranh tiền tệ” có nghĩa là khi nhiều nước đồng thời sử dụng chính sách giảm giá đồng tiền của mình để thúc đẩy xuất khẩu và kích thích kinh tế. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ ngày 11/8 và thay đổi cơ chế ấn định tỷ giá, đồng tiền của nhiều quốc gia mới nổi cũng bị giảm giá theo khi giới đầu tư bán tháo các đồng tiền nội địa và tăng cường nắm giữ USD do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong tuần ngay sau đó, tỷ giá của các đồng tiền này đã dần phục hồi trở lại. Như vậy, có thể thấy, việc đồng tiền các quốc gia bị mất giá là do cung cầu trên thị trường chứ không phải xuất phát từ việc các quốc gia đặt mục tiêu sử dụng chính sách giảm giá đồng tiền để tăng cường sức cạnh tranh.

Ông Dũng cũng cho biết, trong cuộc họp thượng đỉnh các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng của 20 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nước cũng đã cam kết kiềm chế việc phá giá tiền tệ nhằm đạt lợi thế cạnh tranh. Như vậy, không thể và không nên nói đây là một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Tại Việt Nam, trước những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế thời gian qua, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng và biên độ tỷ giá nhằm chủ động, linh hoạt ứng phó với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá cũng như chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất trong thời gian tới.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng và khoảng biên độ tỷ giá được điều chỉnh thời gian qua, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016.

Để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ sau khi điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá, NHNN đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, đặc biệt bán ngoại tệ mạnh mẽ để hỗ trợ cung - cầu ngoại tệ và ổn định tâm lý thị trường.

NHNN cũng khẳng định, sẽ tiếp tục sẵn sàng bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối khi cần thiết, kết hợp các biện pháp và công cụ chính sách như điều tiết các mức lãi suất liên ngân hàng, chỉnh sửa một số quy định về giao dịch ngoại tệ, tín dụng ngoại tệ… để hỗ trợ thanh khoản thị trường, giảm áp lực lên cung-cầu ngoại tệ, nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.

Theo LINH LINH

Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến