Đằng sau quyết định hạ lãi suất bất ngờ của ông Rajan
30/09/2015 11:12:36
ANTT.VN - Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) hôm qua bất ngờ giảm mạnh lãi suất 0,5% xuống còn 6,75%...

Tin liên quan

Raghuram Rajan, thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ là người nổi tiếng với chính sách tiền tệ nghiêm ngặt, ưu tiên kiểm soát lạm phát trước khi nghĩ tới tăng trưởng. Tuy nhiên hôm qua ông đã gây bất ngờ với giới quan sát toàn cầu bằng động thái hạ lãi suất tới 0,5% ,từ 7,25% xuống 6,75%.  

Trong một cuộc khảo sát tuần trước thực hiện bởi Reuters, chỉ 1 trong số 51 nhà kinh tế được hỏi cho rằng RBI sẽ giảm 0,5%, trong khi 45 người khác mong chờ 0,25% hạ xuống trong lãi suất. Trước động thái này, RBI đã cắt lãi suất 3 lần trong năm, mỗi lần 0,25%. Con số này đã giảm từ 1,75% trong hơn 4 năm qua.

Lạm phát trước đây thường ám ảnh với ông Rajan cùng các đồng sự, họ luôn cố gắng duy trì một mức lạm phát không quá cao nhưng phải cân bằng được với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên giá cả hàng hóa cơ bản liên tiếp đi xuống trong một năm qua đã giúp kiềm chế lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này.

Liệu có hay không sự đổi chiều trong chính sách của thống đốc RBI ông Raghuram Rajan?

Lạm phát của nước này đang ở quanh mức 3,7% nhiều tháng qua, cách xa mức mục tiêu 6% trong năm nay và 4% trong trung hạn. Nền kinh tế Ấn Độ cũng đang tăng trưởng ở mức ấn tượng 6,9% năm 2013 và 7,4% năm ngoái. Hạ lãi suất có thể được dự báo trước, tuy nhiên mức giảm tới 0,5% thì thật sự bất ngờ.

Tại sao RBI lại cắt lãi suất nhiều tới vậy.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hồi giữa tháng rõ ràng là một yếu tố quan trọng thôi thúc RBI hạ lãi suất. Tuy nhiên lo lắng về nền kinh tế chậm lại trên toàn cầu mới là nguyên nhân chính.

Các quốc gia mới nổi, một thời từng được xem là niềm hi vọng kéo cả thế giới đi lên từ sau khủng hoảng 2008, đã và đang gặp những rắc rồi lớn với nền kinh tế của mình. Brazil đã lâm vào trạng thái suy thoái với mức tăng trưởng -1,3% được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo cho năm nay. Kinh tế Trung Quốc cũng đứng trước ngưỡng cửa suy thoái. Tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo ở mức 7%, thấp nhất trong 25 năm qua, tăng trưởng đầu tư trong tháng 8 cũng xuống đáy kể từ năm 2000. Trong khi đó, chứng khoán lao dốc từ mức đỉnh tháng 6, cuốn phăng 5000 tỷ USD vốn hóa của thị trường này.

Giới chức Bắc Kinh đã phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngằn đà giảm tốc của nền kinh tế, bao gồm động thái liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ hồi đầu tháng trước cùng 5 lần hạ lãi suất liên tiếp kể từ tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, vốn từ các quỹ nước ngoài tiếp tục tháo chạy cùng giá hàng hóa cơ bản giảm sâu đã và đang làm tổn thương sâu sắc các quốc gia này.

Không giống nhiều quốc gia mới nổi khác, tăng trưởng của Ấn Độ phụ thuộc lớn vào tiêu dùng.

Tuy nhiên không giống như các quốc gia mới nổi dựa chủ yếu vào xuất khẩu, Ấn Độ đang đang chống chọi tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và đặc biệt Trung Quốc đang chậm lại đáng lo ngại, một phần bởi quan hệ thương mại giữa nước này với Trung Quốc không quá lớn. Sự khởi sắc trong các ngành công nghiệp may mặc, nội thất và ô tô cho thấy tăng trưởng của New Dehli đang dựa chủ yếu vào tiêu dùng.

“Tuy nhiên sự hồi phục này là ‘chưa chắc chắn’, Ấn Độ không thể chống lại xu hướng đi xuống chung của nền kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới đang diễn biến xấu hơn kì vọng. Trong khi đó ở trong nước, vốn vào khu vực tư đang chững lại cùng sự thắt chặt cho vay từ các ngân hàng đang khiến giới doanh nghiệp Ấn Độ hoang mang. Dự báo tăng trưởng trong năm nay đã được RBI điểu chỉnh giảm 0,2% từ mức 7,6% trước đây.”, ngân hàng này cho biết.

0,5% giảm lãi suất hôm qua có thể là một bước ngoặt quan trọng trong hoạch định chính sách tiền tệ của ông Rajan cùng giới chức RBI. Hồi tháng 8 ông nhấn mạnh rằng nguy cơ thiếu nước trong mùa mưa ở Ấn Độ có thể đẩy giá lương thực-thực phẩm (LTTP) cũng như tỉ lệ lạm phát lên cao (một nửa nền nông nghiệp Ấn Độ phụ thuộc lớn vào nước mưa và LTTP chiếm tới một nửa chỉ số giá tiêu dùng của nước này).

Tuy nhiên có vẻ ông Rajan đã tính toán sai, lượng mưa giảm 14% so với mức trung bình nhiều năm qua, tuy nhiên giá cả LTTP vẫn giữ ở mức ổn định nhờ sản lượng cao hơn năm trước. Trong khi đó không có nhiều áp lực lên lạm phát trong thời điểm hiện tại do giá nhiên liệu cùng nhiều hàng hóa cơ bản khác đang ở mức thấp trên toàn cầu.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến