Dòng sự kiện:
Đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá - pháp luật xử lý thế nào?
04/11/2022 09:46:04
Trước mỗi kỳ xăng dầu điều chỉnh giá, hiện tượng một số cửa hàng đầu cơ, tích trữ, bán cầm chừng... khiến cho thị trường trở nên bất ổn. Pháp luật xử lý hành vi này ra sao?

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt - Giám đốc Công ty Luật ALadin thì: Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về khái niệm “găm” hàng hóa nói chung và “găm” xăng dầu nói riêng. Tuy nhiên theo Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về các trường hợp “găm” hàng hóa, có thể hiểu “găm” hàng là một trong các hành vi sau:

*Thứ nhất là các trường hợp cắt giảm địa điểm bán hàng; Cắt giảm phương thức hoặc thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó.

*Thứ hai là quy định, niêm yết hay bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó.

*Thứ ba là cắt giảm lượng hàng hóa hoặc ngừng bán hàng hóa ra thị trường.

*Và cuối cùng là trường hợp không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh hoặc mở nhưng không bán hàng.

Đối với hành vi “găm” xăng dầu có thể hiểu là hành vi có dấu hiệu đầu cơ tích trữ xăng, dầu hoặc thuộc một trong các trường hợp “găm” hàng hóa mà không có lý do chính đáng như tôi đã đề cập ở trên. Ngoài ra, “găm” xăng dầu còn có thể hiểu là khi các cây xăng đồng loạt đóng cửa sớm, đóng cửa không bán, số khác bán cầm chừng, nhỏ giọt. Hay nhiều cửa hàng còn xăng dầu nhưng tích trữ không bán cho người dân và có dấu hiệu giữ hàng chờ tăng giá.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu có hành vi “găm” xăng chờ tăng giá thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt vi phạm hành chính, luật sư Nguyễn Ngọc Đạt cho biết: Khoản 4 Điều 35 của Nghị định 99/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí đã quy định cụ thể cá nhân, tổ chức “găm” xăng dầu có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng nếu thuộc một trong các hành vi vi phạm sau:

*Một là, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

*Hai là không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

*Và cuối cùng là giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Về chế tài hình sự: Khoản 1 Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: đối với tội Đầu cơ, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù. Như tôi đã nhấn mạnh từ đầu chương trình, xăng dầu được xác định là đối tượng thực hiện bình ổn giá. Do vậy, tội đầu cơ xăng dầu hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, phạm tội với hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1.5 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì có thể bị phạt tiền từ 30 đến 300 triệu đồng, nặng hơn sẽ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội với trị giá hàng hóa từ 03 tỉ đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 01 tỉ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền tối đa 5 tỉ đồng hoặc phạt tù ở mức 7-15 năm.

Đối với pháp nhân thương mại mà vi phạm, thì bị phạt tiền tối đa 9 tỉ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong thời hạn từ 1-3 năm./.

Tác giả: PV

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến