Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) phản đối đề xuất chuyển giao một số bệnh viện tuyến trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô cho TP Hà Nội quản lý, trừ đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của trường đại học (khoản 1 điều 26 dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi). Bà Nga chỉ ra 5 lý do.
Thứ nhất, cần đối chiếu với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Trong luật quy định rõ nhiệm vụ, chức năng, đơn vị quản lý các bệnh viện tuyến trung ương.
Nếu đưa các bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý, đồng nghĩa các cơ sở y tế này sẽ trở thành bệnh viện cấp địa phương. “Không thể đặt Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức ngang bằng với Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hay Đông Anh, điều này rất vô lý”, bà Nga nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương).
Mặt khác, nếu đưa bệnh viện tuyến trung ương cho Hà Nội quản lý, Quốc hội sẽ lại phải tính đến phương án sửa Luật Khám chữa bệnh. Trong thời gian chờ sửa luật, chắc chắn xảy ra tình trạng luật nọ chồng chéo luật kia, rối càng thêm rối cho các cơ sở y tế.
Thứ hai, các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Sản, Nhi, K… ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ toàn dân còn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các địa phương công tác y tế cộng đồng, y tế cơ sở.
Nếu chuyển các bệnh viện này cho Hà Nội quản lý thì quá trình đào tạo nhân lực, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các địa phương khác bị đứt gãy, “về cơ bản, các bệnh viện đồng hạng giữa các địa phương sẽ không hỗ trợ được nhiều cho nhau”.
Thứ ba, bệnh viện trung ương là nơi phụ trách sức khoẻ của hàng triệu nhân dân không phải chỉ khu vực Hà Nội.
Thông thường bệnh nhân nặng, tình trạng bệnh phức tạp sẽ được điều chuyển từ địa phương về trung ương để điều trị. Nếu xáo trộn đơn vị quản lý sẽ gây ra xáo trộn dây truyền về nhân sự, cơ chế, mô hình. Cuối cùng đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là tính mạng của hàng triệu người dân, “không ai có thể dám chắc được việc quy hoạch này không ảnh hưởng đến bệnh nhân”.
Vấn đề này cũng liên đới rất nhiều đến chi trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Thứ tư, đưa bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý gây tình trạng “một cổ hai tròng” cho các bệnh viện. Bộ Y tế phụ trách quản lý chuyên môn, khám chữa bệnh, Hà Nội quản lý về cơ sở vật chất, đầu tư, nhân lực… Trong khi đó, dự thảo Luật Thủ đô cũng chưa ngã ngũ quy định sẽ quản lý các bệnh viện này thế nào, đơn vị nào quản lý, Sở Y tế hay UBND thành phố.
Thứ năm, bệnh viện trung ương do Bộ Y tế quản lý sẽ mang tầm quốc gia, khi đưa về thuộc Hà Nội nghĩa là hạ vị thế, rất khó hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kinh nghiệm, mua bán đấu thầu thuốc… tất cả đều phải thông qua thành phố quyết.
Do đó, khi nghiên cứu, xây dựng và góp ý dự thảo Luật Thủ đô cần đặc biệt cân nhắc đề xuất này để tránh xáo trộn. "Việc này rất hệ trọng, tầm chiến lược quốc gia, không phải của riêng địa phương, kể cả Thủ đô cũng cần hoạch định dài hơi", bà Nga nói.
Về ý kiến đưa các bệnh viện tuyến trung ương về cho Hà Nội sẽ giúp ngành y giải quyết được những vướng mắc về nhân lực, lương, phụ cấp, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế bằng những cơ chế của Thủ đô, bà Nga nói "đây chỉ là phỏng đoán". Thực tế dự thảo Luật Thủ đô mới chỉ nêu lên vấn đề để lấy ý kiến, chưa có quy định, kế hoạch cụ thể nào cho đề xuất này.
Trong khi, Chính phủ, Bộ Y tế đang rất nỗ lực để giải quyết các vưỡng mắc cho ngành y, những khó khăn dần được tháo gỡ.
Nữ đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu đưa các bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý đồng nghĩa các bệnh viện trung ương khác như Chợ Rẫy, Thống Nhất, trung ương Huế… cũng sẽ phải đưa về địa phương quản lý mới thống nhất. “So sánh như vậy để thấy, đề xuất này nửa vời, xa rời thực tế”, bà nhấn mạnh.
Lo ngại khi đưa bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý. (Ảnh: Thanh Niên)
Đại diện Tổng hội Y học Việt Nam thẳng thắn cho rằng, quy hoạch các bệnh viện thuộc Hà Nội "rất rối, chưa đáp ứng hết được nhu cầu của người dân trên địa phận Thủ đô".
Thực tế, cùng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nhưng Bệnh viện Thanh Nhàn, Việt Pháp của Hà Nội 'lép vế' đáng kể về nguồn lực và chất lượng so với Bệnh viện Bạch Mai, Da liễu thuộc tuyến trung ương. "Các bệnh viện của Hà Nội đang thua ngay trên chính sân nhà. Qua đó để thấy, bài toán đưa bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý là không thể", vị này nói.
Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi hôm 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Hà Nội tính toán lại năng lực quản lý. Hiện Sở Y tế quản lý 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị.
Như vậy, việc tiếp nhận thêm bệnh viện tuyến trung ương là quá sức, đặc biệt trong bối cảnh cán bộ Sở Y tế còn đang rất mỏng. "Đây là nội dung hệ trọng, liên quan chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng", ông Thuấn nói.
Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2023. Dự thảo Luật gồm 6 chương, 59 điều (tăng 2 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành). Dự thảo Luật nêu lên nhiều hạn chế, bất cập hiện nay về cơ chế, chính sách tài chính đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ... |
Tác giả: Hà Cường
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy