Dòng sự kiện:
ĐBQH: “Cần xác định Logistics là ngành mũi nhọn”
01/11/2017 19:53:58
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình nhận định, Logistics hoàn toàn có thể trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn ở nước ta.

Tin tức trên TTXVN, sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về phát triển ngành dịch vụ logistic.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình – TP. Hà Nội nhận định, dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, rất có điều kiện phát triển ở Việt Nam, là giải pháp trực tiếp góp phần tăng trưởng nhanh, bền vững GDP và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.

Ảnh minh họa.

Dẫn thông tin từ Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: Tổng giá trị thị trường logistics Việt Nam tương đương từ 21-25% GDP quốc gia, lớn hơn rất nhiều so với ngành đóng góp nhiều nhất vào GDP quốc gia là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng dịch vụ logistics là một ngành kinh tế quan trọng, rất có điều kiện phát triển ở Việt Nam, là giải pháp trực tiếp góp phần tăng trưởng nhanh, bền vững GDP và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Nhưng thực tế, ngành logistics đóng góp rất ít, chỉ khoảng 2-3% vào GDP. Từ nhiều năm qua, ở nước ta, logistics được xem là một ngành siêu lợi nhuận nhưng bị bỏ ngỏ, do khoảng 80% thị phần trong tay các doanh nghiệp logistics nước ngoài”, theo đại biểu.

Phân tích của đại biểu Bình cho thấy, logistics là tất cả các dịch vụ tác động lên hàng hóa, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu và hàng hóa được sản xuất từ nhiều ngành khác nhau nên chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ logistics ảnh hưởng trực tiếp lên sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

Các nước tiên tiến đã chú trọng đầu tư vào logistics theo hướng giảm thiểu chi phí nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ở các nước này, chi phí logistics chỉ trong khoảng từ 7 đến 15% của GDP, trong khi đó ở nước ta, chi phí logistics ở mức rất cao, từ 21 – 25% GDP.

“Đây là yếu tố trực tiếp cản trở tốc độ phát triển của nền kinh tế nước ta. Vì thế, việc tập trung nâng cao hiệu quả dịch vụ và giảm chi phí logistics có ý nghĩa to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đại biểu Bình nói.

Theo đại biểu, nước ta ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về vận tải biển và hàng không, nơi có những luồng hàng hóa chủ lực bậc nhất thế giới đi qua, hàng năm có trên 65 nghìn lượt tàu thuyền đi qua Biển Đông, chuyên chở khoảng 50% lượng dầu mỏ và hàng hóa xuất nhập khẩu của thế giới.

Bên cạnh đó, trong số 4 hành lang kinh tế của tiểu vùng Mekong, Việt Nam là đầu mối của ba hành lang hướng ra Biển Đông.

Đồng thời nước ta sở hữu những vị trí có thể xây dựng cảng biển nước sâu và sân bay trung chuyển quốc tế lý tưởng, cho thấy tiềm năng, lợi thế phát triển rõ rệt về logistics, có nhiều điều kiện để trở thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế.

Tin tức Báo Chính phủ đăng tải, vì năng lực vận tải biển của nước ta rất yếu nên thị phần dịch vụ logistics lớn nhất là vận tải biển chiếm 60% cơ cấu của logistics rơi vào tay các hãng tàu biển quốc tế. Về dịch vụ cảng chiếm 20% kết cấu logistics thì những cảng đầu mối có lượng hàng thông qua hàng năm lớn nhất của nước ta như cảng Cát Lái lại nằm sâu trong nội địa nên chỉ những tàu có trọng tải nhỏ dưới 25.000 tấn vào được, vì thế 90% lượng hàng xuất nhập khẩu của nước ta phải trung chuyển qua một vài cảng lớn trong khu vực, chủ yếu là Singapore và đến các thị trường quốc tế bằng tàu viễn dương cỡ lớn.

Vì lý do này, các chủ hàng Việt Nam phải chịu chi phí ở cả cảng nội địa, cảng trung chuyển cộng thêm phí vận tải trung chuyển quốc tế. Tính sơ bộ chỉ nắm hai khoản vận tải viễn dương và trung chuyển hàng hóa, các công ty nước ngoài đã chi phối gần 80% thị phần logistics Việt Nam.

Phần nhỏ bé còn lại, 20% được chia cho 1.300 doanh nghiệp logistics nội địa, trong đó có đến 72% là những doanh nghiệp nhỏ, năng lực tài chính nhân sự và trình độ quản lý thấp. Thực hiện các dịch vụ đơn giản như vận tải nội địa, cho thuê kho bãi, bốc xếp, thủ tục hành chính... Do vậy, đa phần doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài.

Bên cạnh đó, hệ thống logistics nội địa bao gồm vận tải nội địa, kiểm hóa, kho bãi... chiếm 20% kết cấu của thị phần logistics cũng có nhiều bất cập và nổi bật hơn cả là hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt hai chiều và đường thủy chưa phát triển. Chi phí vận chuyển đường bộ quá cao, hệ thống kho bãi rời rạc, thiếu chuyên nghiệp, thị trường logistics nội địa mang tính tự phát, đa số các doanh nghiệp tự đáp ứng nhu cầu chứ không thuê ngoài dịch vụ. Các hệ thống kho lớn được xây dựng theo ngành, chưa hình thành các trung tâm logistics quốc gia và vùng.

Tóm lại, logistics hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm ở nước ta nhưng chất lượng dịch vụ logistics chúng ta thấp và chi phí cao là do chúng ta chưa phát huy đúng những tiềm năng và lợi thế mạnh sẵn có chứ không phải quá khó khăn, không làm được.

Xuân Tùng (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến