Dòng sự kiện:
Để vốn Nhà nước bán 'đắt hàng'
17/09/2018 19:06:43
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2017-2018 có 316 phải thoái vốn, nhưng theo Bộ Tài chính, hết tháng 6/2018, mới có 16 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2017-2018 có 316 phải thoái vốn, nhưng theo Bộ Tài chính, hết tháng 6/2018, mới có 16 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Tiến độ cổ phần hóa cũng trong tình cảnh chậm tương tự, khi 8 tháng qua chỉ có 10/85 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa…

Tiến độ nhà nước thoái vốn thông qua tổ chức các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) các doanh nghiệp nhà nước, cũng như thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đã cổ phần hóa tiếp tục chậm, đặt ra một vấn đề lớn: phải làm thế nào để thay đổi hiện trạng này?

Không chỉ tiến độ chậm, nhiều DN xong được khâu thủ tục để tiến hành thoái vốn  thì lại có kết quả chào bán rất thấp.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tại phiên IPO Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) mới đây trong tổng số hơn 488 triệu cổ phần, tương đương 34,8% vốn điều lệ sau cổ phần hóa của công ty được đưa ra chào bán với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, thì chỉ bán được hơn 5,4 triệu cổ phần, tương đương 1,1% số cổ phần đưa ra đấu giá…

Một phiên thoái vốn ế khác là Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị chào bán 263.202 cổ phần tại CTCP Công nghiệp Hapulico, với giá khởi điểm 22.200 đồng/cổ phần, nhưng chỉ bán được 5.500 cổ phần…

Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc thoái vốn Nhà nước chậm và ế, trong đó có ý kiến cho rằng, do lo sợ thất thoát vốn Nhà nước, nên doanh nghiệp thoái vốn có tâm lý đẩy giá khởi điểm cao hơn so với giá mà nếu xác định sát theo thị trường thì không đến mức cao như vậy. Giá không sát thực tế khiến cho cầu không gặp cung.

Lâu nay tâm lý thà bán vốn sao cho an toàn để tránh rủi ro bị truy trách nhiệm làm thất thoát vốn Nhà nước vẫn thường được ban lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước lựa chọn.

Tuy nhiên, ý kiến từ Bộ Tài chính cho rằng đây là tư duy cũ, cần phải thay đổi thì mới giúp cho hoạt động thoái vốn của nhà nước tới đây đạt yêu cầu về lượng và chất.

Khoản vốn Nhà nước đưa ra chào bán cần được định giá minh bạch, sát với cách định giá trên thị trường thì mới thể hiện tôn trọng các nhà đầu tư, giúp các bên gặp được nhau trên tinh thần “thuận mua, vừa bán”.

Ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, khi thoái vốn Nhà nước, kể cả thoái ở các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán mà nếu các bộ, ngành, địa phương, ban lãnh đạo doanh nghiệp để xảy ra tình trạng đẩy giá lên cao không sát với giá trị thực tại doanh nghiệp khiến cho việc thoái vốn thất bại, thì bên bán vốn cũng như tư vấn phải chịu trách nhiệm.

Ðể việc định giá sát với thị trường, qua đó khắc phục tình trạng chậm trễ và ế ẩm kéo dài, Bộ Tài chính vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần bám sát các quy định mới tại Nghị định 32/2018 sửa đổi Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, cũng như Thông tư 59/2018/TT-BTC.

Thông tư 59 có hiệu lực từ ngày 1/9/2018, sửa đổi Thông tư 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, kỳ vọng sẽ “làm mới” cách tư duy đã cũ, thúc đẩy các cuộc bán vốn “đắt hàng” hơn.

Theo ĐTCK

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến