Dòng sự kiện:
Đề xuất bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ để hỗ trợ doanh nghiệp
01/03/2021 07:33:29
Phương án bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 đang được doanh nghiệp đề xuất.

Các doanh nghiệp đề nghị bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ là đến hết năm 2021. Ảnh: ST

Trong các phương án hỗ trợ doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) gửi Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp ngành gỗ đã có phương án riêng.

Cụ thể, các doanh nghiệp đề xuất phương án bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Mục tiêu là nhắm bình ổn giá thu mua nguyên liệu, khuyến khích người dân duy trì trồng rừng, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, phát triển ngành gỗ.

Thời gian đề nghị bãi bỏ thuế xuất khẩu dăm gỗ là đến hết năm 2021.

Hiện tại, mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ là 2%. Mục đích là để khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng rừng cây gỗ lớn và cũng để khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm nhiên liệu.

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai áp dụng, các doanh nghiệp cho biết, quy định về mức thuế này phát sinh một số điểm chưa phù hợp thực tế.

Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang là hai thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn của Việt Nam. Đối với thị trường Nhật Bản, mặt hàng dăm gỗ đang được hưởng thuế xuất khẩu 0% theo cam kết của Việt Nam tại Hiệp định CPTTP.

Còn đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng cam kết năm 2021 sẽ bỏ thuế xuất khẩu đối với mặt hàng này khi hiệp định RCEP có hiệu lực.

Theo tính toán của VIFOREST, dựa vào nguồn số liệu của Tổng cục Hải quan và cập nhật thông tin từ doanh nghiệp, với mức thuế xuất khẩu dăm gỗ (2%) đang áp với các thị trường ngoài khối CPTTP, tiền thuế thu được là không đáng kể (chỉ hơn 15 triệu USD đối với 1,03 tỷ USD giá trị xuất khẩu dăm gỗ trong 8 tháng đầu 2020).

Tuy nhiên, với mức thuế này, doanh n ghiệp sản xuất dăm phải giảm giá mua gỗ nguyên liệu đầu vào từ người dân trồng rừng. Thất thoát do giảm giá nguyên liệu mà người dân chịu thiệt hại rất lớn (hơn 50 triệu USD/8 tháng đầu 2020) (1 tấn dăm xuất khẩu tương đương 1,95 tấn dăm tươi).

Do vậy, thực trạng này sẽ không khuyến khích được người dân, doanh nghiệp trồng rừng tạo vùng nguyên liệu.

Trong khi đó, nguồn cung ứng nguyên liệu nói chung còn đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, người dân không khai thác rừng trồng: Đầu ra của dòng sản phẩm dăm gỗ và viên nén đang gặp khó khăn, giá xuất khẩu giảm xuống thấp khiến giá mua nguyên liệu đầu vào phải giảm theo. Người dân không còn thiết tha khai thác rừng trồng (gỗ cây đứng) do thu không đủ bù chi phí khai thác, trong khi 51% diện tích rừng trồng do người dân, hộ gia đình quản lý.

Thứ hai, thiếu hụt nguồn gỗ cao su (chiếm 10% lượng nguyên liệu của ngành): 55% tổng lượng gỗ cao su cho chế biến từ Tập đoàn cao su Việt Nam đang giảm nhanh; trong khi nguồn gỗ cao su từ tiểu điền bấp bênh, không ổn định.

Thứ ba, giá mua gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng: Do tác động của dịch Covid-19, giá cước vận chuyển tăng lên gấp đôi, đẩy giá mua gỗ nguyên liệu tăng.

Tác giả: Khánh Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến