Dòng sự kiện:
Đề xuất cải tiến bảng chữ cái: 'Nếu áp dụng sẽ thành thảm họa'
26/11/2017 08:45:24
Liên quan đến đề xuất cải tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho rằng đây là một đề xuất không tưởng, nếu áp dụng sẽ thành thảm họa.

 

Dư luận đang sục sôi xoay quanh đề xuất cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ của PSG.TS. Bùi Hiền - Nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông.

Cụ thể, trong cuốn sách "Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển" (tập 1) do NXB Dân trí phát hành, nhân Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn, tháng 9/2017 có bài “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của PGS.TS. Bùi Hiền với đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt.

PGS.TS. Bùi Hiền

Tác giả Bùi Hiền chỉ ra vấn đề rằng, chúng ta thường sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).

Ông viết: “Đó là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Người học như trẻ em hay người nước ngoài, cũng rất hay mắc lỗi do sự phức tạp này mang lại”.

Bìa cuốn sách có bài viết đề xuất cải cách bảng chữ cái tiếng Việt gây tranh cãi.

Từ nhận định này, ông Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.

Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.

Một ví dụ về việc cải tiến tiếng Việt được PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra:

LUẬT GIÁO DỤC

Điều 7. Ngôn ngữ dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác; dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số; dạy ngoại ngữ.

1. Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

2. Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp cho học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Ngoại ngữ quy định trong chương trình giáo dục là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến trong giao dịch quốc tế. Việc tổ chức dạy ngoại ngữ trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác cần đảm bảo để người học được học liên tục và có hiệu quả.

Đoạn ví dụ sau khi cải tiến

Đề xuất không tưởng?

Theo PGS.TS. Bùi Hiền, việc cải tiến theo cách này sẽ thống nhất được chữ viết cho cả nước, loại bỏ được hầu hết các thiếu sót, bất cập không nhất quán trước đây gây khó khăn cho người dùng, giản tiện được bộ chữ cái khi từ 38 chữ cái chỉ còn 31, dễ nắm được quy tắc, dễ nhớ. Tiết kiệm được thời gian, công sức, vật tư trong quá trình tạo lập các văn bản trên giấy, trên máy tính.

Trao đổi về đề xuất này, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho biết: “Việc thay đổi chữ viết ở các cộng đồng văn minh phải cực kỳ thận trọng. Ví dụ như ở Nga, sau Cách mạng tháng Mười, nhà nước rất muốn thay đổi chữ viết nhưng đã vô cùng vất vả mới có thể bỏ đi một dấu cứng ở cuối các từ mà ít ảnh hưởng tới các nghĩa của từ.

Tiếng Anh cũng có nhiều sự không hợp lý giữa chữ viết và cách đọc, nhưng không có người Anh nào đề xuất việc quy định các từ tiếng Anh. Mới chỉ viết trên giấy mà người ta đã thận trọng như vậy rồi. Đến khi internet bùng nổ thì làm việc với các con chữ càng trở lên cực kỳ hệ trọng. Bằng chứng, Trung Quốc có tập thể các nhà khoa học để chuẩn hóa những kí hiệu nhất định mà không có sự thay đổi. Nhưng sau khi có cuộc cách mạng số hóa thì mọi thay đổi khó khăn hơn trước rất là nhiều”.

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chữ quốc ngữ đã có lịch sử lâu dài, nếu lấy khoảng thời gian 1865 từ khi xuất hiện tờ Gia Định báo (tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ) thì tính đến nay đã là hơn 150 năm. Nó đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt.

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân

Ông chia sẻ thêm: “Trước đây chỉ lấy chữ f viết thay cho ph cũng khiến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đau đầu, nâng lên đặt xuống. Nhận thấy sự thay đổi đó sẽ làm cho những văn bản, giấy tờ thời sau không đọc được nữa, cho nên người ta quyết định giữ nguyên. Những nhà ngữ học tôi biết như Tần Cần, Phan Ngọc, Cao Xuân Hạo… đều chủ trương tôn trọng nguyên vẹn chữ quốc ngữ đó mặc dù có chỗ chưa hợp lí.

Với ông Bùi Hiền, đề xuất đó gần như thay mới hoàn toàn. Đứng trên cương vị một người quan sát khoa học thì tôi không quan tâm bởi đó mới chỉ là giả định. Nhưng để áp dụng vào xã hội, tôi dám chắc rằng không cá thể nào chấp nhận một đề án như thế. Nó không chỉ tiêu tốn tiền của mà còn làm trì trệ một loạt hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, giao thương… Đấy là một đề xuất không tưởng đã đành nhưng nếu sự áp dụng thì nó sẽ thành thảm họa. Khi đưa ra ý kiến này, rất nhiều người đồng tình với tôi”.

Theo nhà nghiên cứu văn học này, sáng tạo là quyền của mỗi người, nhưng khi nó ảnh hưởng tới toàn xã hội thì chúng ta phải đánh giá nhận định kỹ lưỡng về phát minh đó.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến