Dòng sự kiện:
ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vinaconex căng như dây đàn
29/06/2019 08:46:53
Đến 13h ngày 28/6, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) mới tạm kết thúc phần thảo luận, mặc dù còn khá nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

8h30, phiên họp chính thức bắt đầu. Cổ đông lớn Star Invest đề xuất bổ sung một số nội dung vào chương trình họp.

Thứ nhất, Star Invest đề xuất bổ sung vào chương trình báo cáo của HĐQT về những sửa đổi trong quy chế tài chính và quy chế hoạt động của HĐQT. Theo quy chế này, Chủ tịch HĐQT được phép phê duyệt các khoản tương đương 10% tổng giá trị tài sản của tổng công ty, Tổng giám đốc được quyết định các khoản giá trị 5% tài sản. Cổ đông này đặt vấn đề liệu điều này có trao quyền quá lớn cho Chủ tịch và Tổng giám đốc hay không?

Thứ hai, về việc mua cổ phiếu quỹ, Star Invest yêu cầu nêu rõ căn cứ pháp lý và lý do thực hiện. Cổ đông đặt vấn đề liệu dùng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển để mua cổ phần có vi phạm quy định? Vì sao đến nay công ty chưa thực hiện, trong tương lai có triển khai hay không?

Thứ ba, cổ đông yêu cầu báo cáo hoạt động của HĐQT về tổng số tiền tạm ứng cho các tổ chức, cá nhân và đặt vấn đề liệu có rủi ro với doanh nghiệp?

Cuối cùng, cổ đông đề nghị báo cáo các biến động nhân sự của Vinaconex tại các công ty con, công ty liên kết. Theo thông tin của Star Invest, có 16 chủ tịch và 8 tổng giám đốc các đơn vị thành viên bị thay đổi trong thời gian qua, và người thay thế đều được An Quý Hưng đề cử.

Đề xuất bổ sung của Star Invest không được thông qua. Trong từng phần xin ý kiến cổ đông thông qua về quy chế đại hội, nội dung đại hội… đều có cổ đông không đồng ý. Mỗi mục này, đại hội đều mất thời gian khá lâu để kiểm phiếu biểu quyết ở từng phần.

Sau khi các báo cáo và tờ trình được trình bày, đến 11h, đại hội vào phần thảo luận.

Trong phần thảo luận, cổ đông đặt câu hỏi vì sao lại có sự việc Vinaconex bị kiện về Nghị quyết phiên họp bất thường khiến HĐQT phải tạm dừng hoạt động. Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT, nhường phần trả lời cho 2 thành viên HĐQT là ông Thân Thế Hà và ông Nguyễn Quang Trung.

Ông Thân Thế Hà, thành viên HĐQT chia sẻ 2 khía cạnh. Thứ nhất, về góc độ pháp luật, bản thân ông Hà và ông Trung là đại diện 2 pháp nhân mua cổ phần tại Vinaconex.

“Khi tổ chức họp đại hội bất thường, 2 tổ chức này nhận thấy quy trình thiếu và không đầy đủ. Trên cơ sở đó, chúng tôi có đề nghị tòa, họ đã thụ lý đơn. Sau đó đã có kết luận của tòa. Các vấn đề này, các cơ quan pháp luật phán xét thì chúng ta tuân thủ theo pháp luật. Chúng tôi không thể nói gì”, ông Hà nói.

Trong phần trả lời những câu hỏi về các vấn đề mà cổ đông Star Invest nêu ở đầu đại hội, ông Đào Ngọc Thanh cho rằng, các vấn đề như sửa đổi quy chế HĐQT, quy chế tài chính đã được thông qua tại HĐQT đúng luật.

“Bỏ phiếu quá bán thì các quyết định được thông qua”, ông Thanh nói và cho biết thêm: “Việc quan trọng không phải ký bao nhiêu mà là ai ký và ký như thế nào. Tôi là Chủ tịch cùng anh Đông đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, tôi ký 1.000 tỷ đồng, nếu sai thì tôi trừ luôn vào tiền đó. Sau chúng tôi còn rất nhiều người. Nếu mất, thì anh Đông bù luôn. Nếu mất thì tôi đền”.

Liên quan đến lo ngại tẩu tán tài sản, ông Thanh khẳng định, chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là khác nhau.

“Không có chuyện tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng. Tiền chúng tôi mua Vinaconex là do chúng tôi góp lại để mua, làm gì có ngân hàng phía sau để vay”, ông Thanh khẳng định.

Về câu hỏi vì sao có sự thay đổi nhân sự liên tục tại các công ty con, ông Thanh nói, nhân sự ra đi vì nhiều lý do, có thể vì áp lực công việc đòi hỏi phải “làm thật”, không còn chuyện tư túi… cũng có thể do nhân sự thấy nội bộ cổ đông mất đoàn kết nên chán nản ra đi.

Chủ tịch VCG cũng nhắc đến hai dự án vàng của Vinaconex là dự án Cái Giá Cát Bà và dự án Splendora. 

Trong đó, dự án Cái Giá Cát Bà đã trả tiền sử dụng đất, đang được Tổng công ty nỗ lực đưa vào thi công. Dự án Splendora dù rất tiềm năng nhưng do chưa có sự thống nhất của các bên trong liên doanh nên vẫn dậm chân tại chỗ.

“Dự án còn 200 ha, trong đó có 70 ha đất thương mại. Chúng tôi đánh giá đây là dự án có vị trí “ngon” nhất Việt Nam. Cạnh đó, Vinhomes bán 100 triệu đồng/m2 nhà, dự án này có bán rẻ cũng được 40.000 - 50.000 tỷ đồng (2 tỷ USD) là bình thường”, ông Thanh bày tỏ.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Trung xin nói lại lời ông Thanh là trong 200 ha, có 50 ha đất ở vừa cao tầng vừa thấp tầng, 20 ha là đất hỗn hợp dịch vụ, muốn làm được dự án như Vinhomes còn nhiều gian nan. Hiện liên doanh lỗ lũy kế 1.700 tỷ đồng, tổng nợ 6.000 tỷ đồng; các khoản tiềm tàng 1.600 tỷ đồng, tổng nợ là 8.000 đồng tỷ. Liên doanh cần bỏ tiền ra làm hạ tầng, muốn làm được phải tăng vốn, mỗi bên góp thêm 1.500 - 2.000 tỷ đồng, vì thế cần cổ đông ngồi lại với nhau để bàn bạc.

Đại diện Star Invest sau đó cũng lên tiếng, nói rằng họ không quy kết, quy chụp mà chỉ nêu ý kiến đề nghị đại hội xem xét lại các quy chế tài chính.

"Vốn của Vinaconex là vốn của tất cả cổ đông. Tổng quỹ của Vinaconex hiện có hơn 1.000 tỷ đồng, Chủ tịch được ký đến 1.000 tỷ đồng, nhưng đời không là màu hồng, mà luôn có rủi ro. Nếu xảy ra thiệt hại, tất cả cổ đông đều phải gánh chịu".

“Việc thay đổi nhân sự chủ chốt tới 24 người cũng là quyền của Chủ tịch, của Tổng giám đốc, Cường Vũ và Star Invest không biết. Nếu có thể được, chúng tôi chỉ kiến nghị, đề nghị, xem xét sửa đổi, bổ sung quy chế của HĐQT và quy chế chi tiêu tài chính. Việc này nhằm kiểm soát rủi ro, kiểm soát lẫn nhau giữa các cổ đông lớn. Sở hữu trên 22% cổ phần mà tự nhiên chúng tôi đứng ngoài cuộc".

"Căn cứ vào điều lệ, Vinaconex nên đầu tư vào những lĩnh vực đã được đăng ký chứ không phải mua cổ phiếu quỹ. Mọi vấn đề có thể bàn bạc, chưa thống nhất trong HĐQT, thì bỏ phiếu theo đa số nhưng chí ít chúng tôi cũng phải được bàn bạc, được biết”, đại diện Star Invest trình bày.

Ông Đào Ngọc Thanh đáp lại rằng, cái gì cũng đưa bàn trong HĐQT, cũng phát phiếu cho các thành viên ký, mà trong đó có ông Trung, ông Hà đại diện.

“Nếu cần, tôi đồng ý sửa đổi quy chế HĐQT, quy chế chi tiêu tài chính, kể cả thay đổi chức chủ tịch”.

Còn về vấn đề mua cổ phiếu quỹ, ông Thanh trả lời: “Tôi là Chủ tịch, cái gì kinh doanh kiếm được tiền thì mình làm, miễn là không vi phạm pháp luật. Nếu UBCK thấy làm sai thì đã yêu cầu ngừng rồi. Còn tại sao lại mua cổ phiếu quỹ. Vinaconex có 1.800 tỷ đồng, gửi ngân hàng lãi suất chỉ 5%/năm, trong khi giá cổ phiếu VCG được định giá khoảng 30.300 đồng/CP, mua cổ phiếu rồi đẩy các dự án đi, làm thương hiệu cho tốt, cổ phiếu lên 40.000 đồng, chúng ta lãi được 10 giá. Bỏ 1.000 tỷ đồng được 700 tỷ đồng, nhưng các anh cãi nhau quá nên tôi bảo không mua nữa. Mất đoàn kết, thì thôi không làm nữa”.

Đến 13h ông Thanh khép lại phần thảo luận, hứa trả lời các ý kiến còn lại bằng văn bản và chuyển sang phần biểu quyết các vấn đề của đại hội.

Với tỷ lệ đồng ý xấp xỉ 63%, các tờ trình của đại hội đều đã được thông qua, nhưng dư âm đại hội vẫn khiến nhiều cổ đông của Vinaconex ra về với đầy âu lo.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến