Dòng sự kiện:
Điểm chung trong các biện pháp kiểm soát làn sóng dịch mới tại các nước châu Âu
20/11/2021 05:39:10
Khi thời tiết dần chuyển sang mùa Đông và các ca mắc mới COVID-19 tăng trên toàn châu Âu, một số nước đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới, chủ yếu tác động tới những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, Áo áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa và là quốc gia đầu tiên ở Tây Âu thực hiện biện pháp phong tỏa trong mùa Đông này để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Ngoài ra, giới chức Áo cũng yêu cầu tất cả người dân đi tiêm phòng từ ngày 1/2/2022.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Alexander Schallenberg thừa nhận chính phủ đã không thành công trong việc thuyết phục người dân đi tiêm phòng và phải đưa yêu cầu tiêm phòng bắt buộc, có hiệu lực từ tháng 2/2022. Thủ tướng Áo khẳng định việc tăng tỷ lệ tiêm phòng là cách duy nhất để phá vỡ vòng lây nhiễm hiện nay. Ước tính có 66% dân số Áo đã tiêm phòng đầy đủ, một trong những tỷ lệ thấp nhất tại Tây Âu. Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người trong 7 ngày. 

Trong khi đó, Đức tăng áp lực với nhóm chưa tiêm phòng bằng cách công bố các kế hoạch hạn chế nhiều hoạt động giải trí với nhóm này trên hầu khắp cả nước. Ngày 18/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel công bố các biện pháp yêu cầu các quán bar, nhà hàng và các sự kiện cộng đồng ở những vùng có tỷ lệ nhập viện cao chỉ được tiếp đón những người đã được tiêm phòng hoặc đã khỏi bệnh.

Các biện pháp mới được cho là "cần thiết và công bằng" sẽ được áp dụng với một loạt hoạt động và địa điểm giải trí từ lĩnh vực thể thao cho tới văn hóa hay các nhà hàng, quán bar và phòng tập gym. Những chủ doanh nghiệp hoặc nhà tổ chức sự kiện vi phạm sẽ bị phạt. Các quan chức Đức khẳng định tiêm phòng là cách để thoát khỏi đại dịch, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 18/11, Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), ghi nhận trên 65.000 ca mắc mới trong ngày, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Hầu hết các vùng trên cả nước đều đã ghi nhận tỷ lệ nhập viện vượt ngưỡng báo động trung bình 7 ngày là 3 ca/100.000 dân.

Để tránh phải tái phong tỏa, một số quốc gia tại châu Âu cũng đã đưa ra biện pháp tương tự để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Hy Lạp cũng áp dụng các biện pháp hạn chế mới với những người chưa tiêm phòng. Theo Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis, từ đầu tuần tới, những người chưa tiêm phòng tại Hy Lạp sẽ không được đến các không gian trong nhà như các nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng tập gym kể cả khi có chứng nhận âm tính với COVID-19.

Trong bài phát biểu mới trên truyền hình, ông Mitsotakis liên tục kêu gọi người dân đi tiêm phòng đồng thời nhấn mạnh đại dịch hiện hoành hành chủ yếu trong nhóm chưa tiêm. Đến nay Hy Lạp đã tiêm cho khoảng 62% dân số 11 triệu người. Thủ tướng Hy Lạp cho rằng nước này đang phải chịu những tổn thất không đáng có chỉ vì chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng như các nước khác ở châu Âu. Trong tháng này, số ca mắc mới tại Hy Lạp liên tục lên các mốc cao mới, gia tăng áp lực lên hệ thống y tế vốn đã đương đầu với nhiều thách thức tại nước này.

Chính phủ CH Séc cũng tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp mới nhằm khuyến khích người dân đi tiêm phòng sau khi ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc trong ngày. Theo đó, từ đầu tuần tới chỉ có những người đã tiêm phòng hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 trong 6 tháng qua mới được phép đến các quán bar, nhà hàng và khách sạn hay sử dụng nhiều dịch vụ khác. Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính không còn được chấp nhận.

Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech khẳng định mục tiêu chính của các biện pháp này là nhằm thúc giục người dân đi tiêm phòng. Ngoài ra, một số biện pháp như xét nghiệm thường xuyên với những người chưa tiêm phòng tại các trường học và công sở cũng đang được xem xét. Trong tuần này, CH Séc đã ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, với 22.470 ca ngày 16/11.

Trong khí đó, Đan Mạch sẽ lại yêu cầu xuất trình thẻ thông hành y tế khi đến các nhà hàng, quán bar và các câu lạc bộ đêm sau 2 tháng tạm dừng biện pháp này. Thủ tướng Mette Frederiksen cho biết ban cố vấn dịch bệnh đã khuyến nghị chính phủ nối lại biện pháp trên. Dù cho biết biện pháp này gây bất tiện cho nhóm chưa tiêm phòng nhưng Thủ tướng Frederiksen khẳng định đây là việc nên làm.

Dù có đến 85,9% dân số trên 12 tuổi được tiêm phòng đầy đủ những vào cuối tuần trước, giới chức y tế Đan Mạch cảnh báo hệ thống y tế quá tải vì số ca COVID-19, cúm và các bệnh truyền nhiễm gia tăng. Tuy đã lường trước tình trạng này nhưng giới chức y tế Đan Mạch không khỏi bất ngờ về tốc độ gia tăng. Đầu tuần này, số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Đan Mạch ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp vượt mức 2.000 ca.

Tác giả: Lê Ánh 

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến