Dòng sự kiện:
Diễn đàn xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch Việt Nam-Nam Phi
03/11/2014 11:30:27
Ngày 31/10, tại thành phố Durban, Thủ phủ tỉnh KwaZulu-Natal của Nam Phi, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức "Diễn đàn Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Nam-Nam Phi."
Đại biểu Nam Phi tìm hiểu chính sách đầu tư, thương mại và du lịch của Việt Nam tại "Diễn đàn Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Nam - Nam Phi", được tổ chức tại thành phố Durban ngày 31/10. (Ảnh: Minh Đức/Vietnam+)

Khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng đánh giá cao thế mạnh nhiều mặt của tỉnh KwaZulu-Natal và thành phố Durban, khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển thực chất quan hệ mọi mặt với Nam Phi trong đó có tỉnh KwaZulu-Natal và thành phố cảng Durban.

Đại sứ hoan nghênh sự phối hợp của Phòng Thương mại Công nghiệp thành phố Durban và đông đảo các doanh nghiệp sở tại đã tới tham dự đóng góp cho Diễn đàn nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa tỉnh KwaZulu-Natal với các địa phương của Việt Nam, giúp mở rộng thị trường hàng hóa đầu tư cho cả hai bên.

Ông Andrew Layman, Giám đốc điều hành (CEO) của Phòng Thương mại Công nghiệp Durban, đánh giá cao việc Đại sứ quán Việt Nam triển khai hoạt động quảng bá tại Durban và khẳng định Phòng Thương mại Công nghiệp Durban sẵn sàng hợp tác, làm cầu nối để doanh nghiệp của thành phố Durban và tỉnh KwaZulu-Natal đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với các đối tác Việt Nam, mong muốn Việt Nam sẽ hỗ trợ để các doanh nghiệp Nam Phi mở rộng hợp tác buôn bán đầu tư với các nước trong khu vực châu Á.

Sau phần khai mạc, Đại sứ Lê Huy Hoàng và các cán bộ ngoại giao kinh tế của Đại sứ quán đã có phần trình bày giới thiệu chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ và các địa phương của Việt Nam, giới thiệu danh mục các dự án đầu tư mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông qua cho giai đoạn từ nay đến năm 2020, các chính sách thuận lợi của Việt Nam hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước, đồng thời quảng bá các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đối với thị trường sở tại như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, vật liệu xây dựng, hải sản… Trong chín tháng qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 900 triệu USD, dự kiến có thể đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2014.

Nhân dịp này, các cán bộ Đại sứ quán cũng đã có phần giới thiệu cụ thể với các đại biểu về mặt hàng cá tra và gạo, đặc biệt về tính cạnh tranh về giá cả đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng an toàn vệ sinh của các mặt hàng này; đồng thời tiến hành quảng bá nhiều địa danh du lịch của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Hội An, Tháp Chàm… cùng các gói du lịch hấp dẫn nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn du khách Nam Phi.

Sau phần thuyết trình về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Đại sứ Lê Huy Hoàng và Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi Nguyễn Hồng Tiến đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp sở tại, làm rõ các chính sách của Việt Nam về khuyến khích đầu tư, các biện pháp hỗ trợ về thuế, tín dụng cơ sở hạ tầng… cho các doanh nghiệp. Thủ tục cấp phép “một cửa” của Việt Nam được rất nhiều doanh nghiệp sở tại quan tâm.

Các đại biểu Việt Nam cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh KwaZulu-Natal và chính phủ Nam Phi nói chung tạo điều kiện hơn nữa về vấn đề thị thực nhập cảnh cho doanh nghiệp Việt Nam, nhiều đại biểu hai bên mong muốn hai nước sớm ký và triển khai các biện pháp tránh đánh thuế hai lần, thỏa thuận về tài chính ngân hàng để hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp hai bên.

Các đại biểu của tỉnh KwaZulu-Natal cũng giới thiệu với các đại biểu Việt Nam về tiềm năng kinh tế du lịch của địa phương. Bà Jessica Slater, Giám đốc phụ trách các dự án nước ngoài thuộc Sở Kinh tế thương mại thành phố KwaZulu-Natal, nhấn mạnh các thành tựu kinh tế đầu tư của tỉnh, giới thiệu các dự án phát triển cảng biển, hàng không, dịch vụ tài chính ngân hàng và các chương trình lớn của địa phương trong thời gian tới để các nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm tham gia.

Chia sẻ với các đại biểu sau diễn đàn, Đại sứ Lê Huy Hoàng cho biết đây là một trong những hoạt động ngoại giao kinh tế Đại sứ quán tổ chức tại một địa phương của Nam Phi có nhiều thế mạnh, sự chuẩn bị bài bản các thông tin của Việt Nam qua phần trình bày và giải đáp tại diễn đàn đã giúp các doanh nghiệp Nam Phi quan tâm hiểu hơn về chính sách ưu đãi các danh mục dự án đầu tư, các sản phẩm hàng hóa và các giá trị văn hóa du lịch của Việt Nam.

Ông Triveshan Naidoo, Giám đốc Điều hành Công ty xuất nhập khẩu TNI, chúc mừng thành công của diễn đàn, rất muốn hai bên thường xuyên có các cuộc trao đổi chia sẻ thông tin tương tự nhằm giúp doanh nghiệp hai nước hiểu sâu hơn về nhu cầu và tiềm năng của mỗi bên.

Trước đó, ngày 30/10, Thị trưởng thành phố Durban James Nxumalo đã có buổi tiếp làm việc với Đại sứ Lê Huy Hoàng và phu nhân tại văn phòng Thị trưởng thành phố. Thị trưởng Nxumalo, thành viên Đảng Đại hộị Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền và thành viên Đảng cộng sản Nam Phi (SACP), hoan nghênh Đại sứ đã có chuyến công tác nhằm thúc đẩy kinh tế thương mại tại Durban, nhấn mạnh sự ủng hộ của lãnh đạo và doanh nghiệp sở tại đối với hàng hóa và các hoạt động đầu tư của Việt Nam, mong muốn sớm thăm Việt Nam xúc tiến quan hệ hợp tác giữa thành phố cảng Durban với một thành phố cảng của Việt Nam.

Cũng trong ngày 30/10, Đại sứ Lê Huy Hoàng đã gặp Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh KwaZulu-Natal, bà N. P. Nkonyeni trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời tham dự Lễ trao giải của tỉnh dành cho các nhà xuất khẩu địa phương có thành tích xuất sắc trong năm 2014.

Tỉnh KwaZulu-Natal và thành phố cảng Durban có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Nam Phi trong những năm qua. Với số dân trên 10 triệu người (chiếm 1/5 tổng dân số cả nước), có cảng biển Durban được coi là hải cảng lớn nhất của Nam Phi và là cửa ngõ của châu Phi, và với thế mạnh về du lịch, địa phương hiện có tốc độ tăng trưởng GDP khá cao (trên 3,5%), đóng góp gần 1/4 GDP của cả nước./.

Theo Vietnamplus.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến