Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2018 (quý 4 niên độ tài chính của Hoa Sen do năm tài chính bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 9 năm sau).
Theo đó, Hoa Sen đạt doanh thu 8.565 tỷ đồng trong kỳ vừa qua, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, do giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh, nên lợi nhuận gộp của Hoa Sen chỉ đạt 724 tỷ đồng, giảm 36%.
Theo tính toán, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen từ mức 25% đầu năm 2016 đã liên tục giảm trong thời gian gần đây và chỉ còn 8,5% trong quý 3/2018 vừa qua.
Với biên lợi nhuận ngày càng mỏng, Hoa Sen thậm chí không trang trải được các loại chi phí gồm chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, hoạt động kinh doanh chính của công ty báo lỗ 132 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 100 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) sau 1 năm. Vay nợ tăng cao khiến Hoa Sen phải trả lãi vay tới 812 tỷ đồng trong năm vừa qua, trong khi năm trước lãi vay chỉ là 482 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính chiếm đến 14.340 tỷ đồng, gấp gần ba lần vốn chủ sở hữu.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bản Việt, vay nợ lớn và thị trường cạnh tranh gay gắt là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Hoa Sen lao dốc. Bản Việt cho rằng, Hoa Sen đang gặp nhiều thách thức để cải thiện khả năng sinh lời do áp lực vốn lưu động, dòng tiền hoạt động âm và tỷ lệ đòn bẩy cao đến từ tăng trưởng công suất lớn của Hoa Sen.
Điểm sáng duy nhất là việc Hoa Sen đã hoàn thành chu kỳ vốn xây dựng cơ bản và đang chủ động tích cực cắt giảm chi phí nhằm hạn chế đà giảm lợi nhuận. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu Hoa Sen liên tục giảm trong 1 năm gần đây và hiện đã xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2016.
Trên thị trường chứng khoán, sau 2 phiên giảm kịch sàn vào ngày 31/10 và 1/11, hôm nay, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục để mất thêm 490 đồng tương ứng 5,7% xuống còn 8.210 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong chưa đầy 3 phiên giao dịch, giá cổ phiếu HSG đã bị “đánh bay” 19%. Đây cũng là mức giá thấp nhất năm của mã này, mất tới 2/3 so với thời điểm đầu năm.
Với sở hữu trực tiếp 41,19 triệu cổ phiếu HSG và sở hữu gián tiếp 10,5 triệu cổ phiếu qua Công ty TNHH MTV Tam Hỷ, tài sản ông Lê Phước Vũ nay chỉ còn chưa tới 419 tỷ đồng, “mất hút” trong Top 100 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
HSG cũng là một trong hai trường hợp ngoại lệ của nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường do mất đến 6,96% so với giá tham chiếu, trong khi các mã còn lại đều tăng mạnh và hỗ trợ thị trường ngắt mạch giảm điểm 9 phiên liên tiếp.
Cuối tháng 8, Công ty cổ phần Chứng khoán Đông Á từng ra khuyến nghị nhà đầu tư cắt lỗ nếu HSG giảm dưới 9.800 đồng bởi thị trường đang phản ứng quá nhanh với những khó khăn về thị phần, chi phí sản xuất và nợ vay. Thị giá cổ phiếu này tại thời điểm đó vào khoảng 10.500 đồng.
Một số công ty chứng khoán cho rằng, vấn đề đáng lo ngại hiện tại của Hoa Sen là quản trị doanh nghiệp. Bởi ngày càng nhiều nhà đầu tư mất dần sự tin tưởng với đội ngũ lãnh đạo công ty do chính sách quản lý hàng tồn kho tác động lớn đến lợi nhuận, cộng thêm một số vấn đề liên quan đến hệ thống phân phối, giao dịch với các công ty liên quan đến người nội bộ.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy